Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024)
Tổng quan du lịch huyện Vĩnh Cửu

​Huyện Vĩnh Cửu là một huyện thuộc tỉnh Đồng Nai, là huyện có hơn 300 năm hình thành và phát triển gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa- Đồng Nai. Huyện là địa bàn gần các trung tâm đô thị lớn, nơi tập trung đông dân cư, khu công nghiệp như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và liền kề với thành phố Biên Hòa. Vĩnh Cửu có hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ thuận lợi, kết nối với nhiều TP lớn trong vùng; đồng thời là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đặc biệt là tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa đa dạng, phong phú.

Hiện trên địa bàn huyện có 05 điểm du lịch đang khai thác phục vụ du khách: điểm du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều, điểm du lịch sinh thái Cao Minh, điểm du lịch cộng đồng Hiếu Liêm, điểm du lịch đảo Ó- đảo Đồng Trường và điểm du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Chiến khu Đ. 

Đặc điểm tài nguyên văn hóa: 

Nhân dân huyện Vĩnh Cửu kiên cường, anh dũng trong chống giặc ngoại xâm; cần cù, chịu khó trong cải tạo thiên nhiên và lao động sản xuất, hiền hòa, mến khách; chính nhân dân vừa mang cốt cách Nam Bộ vừa có tính đặc trưng của các vùng miền trên khắp cả nước đã góp phần làm nên bề dày văn hoá của huyện Vĩnh Cửu anh hùng.

 Trên địa bàn huyện có 04 Di tích lịch sử cấp tỉnh và 03 Di tích lịch sử cấp quốc gia. Các Di tích cấp quốc gia hiện do Khu BT TN VH ĐN quản lý, cụ thể:Di tích Trung ương cục miền Nam được thành lập và hoạt động trong giai đoạn 1961 - 1962 tại Chiến khu Đ, nằm trên địa bàn xã Phú Lý; được công nhận là Di tích Quốc gia năm 2004. Di tích  Khu ủy Miền Đông Nam bộ giai đoạn 1962 - 1967 nằm trên địa bàn xã Hiếu Liêm, được công nhận cấp Quốc gia năm 1997. Di tích địa đạo Suối Linh- “căn cứ” của Ban Thông tin Khu ủy miền Đông trong giai đọan 1962-1967; được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1999. Tại xã Tân Bình có Di tích thành lập Chi bộ Cộng sản Bình Phước - Tân Triều, Chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Biên Hòa; được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2007. Các Di tích văn hóa này là những địa chỉ đỏ thu hút một lượng du khách về nguồn.

 Về tài nguyên văn hóa phi vật thể: Vĩnh Cửu là địa phương có sự giao thoa văn hóa khá độc đáo giữa người Kinh, người Hoa với cộng đồng các dân tộc ít người trên địa bàn như Chơro, Mạ,...đã tạo nên các lễ hội truyền thống đa dạng và đặc sắc, trong đó lễ hội cúng Đình, lễ hội cúng Bà còn lưu lại và mang tính phổ biến. Ngoài ra, Lễ hội của đồng  bào dân tộc Chơro ở xã Phú Lý còn được bảo tồn nguyên giá trị là Lễ hội Sayangva diễn ra vào khoảng trung tuần tháng ba âm lịch hàng năm, tạo hấp dẫn lớn cho khách du lịch. 

 Trên địa bàn huyện có 20 đình, chùa, nhà thờ, trong đó có nhiều ngôi đình, chùa, nhà thờ cổ như chùa Hội Phước, nhà thờ Tân Triều có trên 300 năm hình thành và phát triển..các địa điểm này có thể thu hút du khách hành hương.

 Tại xã Hiếu Liêm có Nhà máy Thủy điện Trị An được thành lập 02/12/1987 với 4 tổ máy, sản lượng điện thiết kế trung bình hàng năm: 1,76 tỷ kWh; ngoài chức năng cung cấp điện, còn là hồ đảm bảo nước cho sinh hoạt, đẩy mặn, điều tiết lũ, tưới tiêu cho mùa khô ở hạ lưu.  Nhà máy thủy điện Trị An với phong cảnh hữu tình cũng là một điểm thu hút khách du lịch.

 Làng nghề thủ công truyền thống: Là huyện có nhiều nghề truyền thống, tuy nhiên trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhiều nghề đã mai một và hình thành một số nghề mới như chế biến rượu bưởi ở xã Tân Bình, Bình Hòa, Tân An,…; làng nghề nuôi hươu, nai ở xã Hiếu Liêm; trồng hoa lan ở thị trấn Vĩnh An, xã Trị An.

 Văn hóa ẩm thực đa đạng, phong phú gắn liền các món ăn, thức uống tự nhiên sẵn có được khách du lịch ưa chuộng: lẩu rau rừng, rượu mật nhân, hạt ươi, các loại thảo dược quý từ rừng Khu BT; các loại thủy sản của sông Đồng Nai, hồ Trị An như tép, tôm, cá lăng, cá duồng, cá chình v.v chế biến đa dạng món ăn: món nướng, kho, hấp, luộc, lẩu; các sản phẩm từ chăn nuôi, trồng trọt của địa phương: các loại cam quýt Hiếu Liêm, xoài phú lý; các sản phẩm từ chăn nươi hươu nai: chế biến các món ăn từ thịt, sản xuất rượu nhung hươu nai; cơm lam, rượu cần của đồng bào Chơro; các loại thức ăn nước uống chế biến từ bắp: chè bắp, xôi bắp, chả bắp, sữa bắp; từ trái bưởi Tân Triều có thể chế biến thành rượu bưởi, chè bưởi, gỏi bưởi, nem bưởi. Các món ăn dân dã của địa phương cũng có thể níu chân du khách.

 Văn hóa nghệ thuật: Trên địa bàn huyện có nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng của đồng bào dân tộc Chơro xã Phú Lý; đờn ca tài tử ở xã Tân Bình, Tân An, Trị An,Thạnh Phú, thị trấn Vĩnh An;… cũng có thể khai thác phục vụ khách du lịch.

Đặc điểm tài nguyên tự nhiên: Trên địa bàn huyện nổi bật lên tài nguyên rừng, sông, hồ và một số cảnh quan có thể đầu tư để khai thác phát triển du lịch.

Cảnh quan công viên Đá Hiếu Liêm: có diện tích khoảng 400 ha nằm trên địa bàn xã  Hiếu Liêm, nằm cạnh khu rừng tự nhiên ven suối Bà Hào, là rừng đá với nhiều hình thù đa dạng xen lẫn với những khoảng vườn cây ăn trái…Khu vực này có thể đầu tư xây dựng thành điểm du lịch vui chơi giải trí, du lịch thể thao.

Cảnh quan Thác Ràng: nằm sâu trong rừng cây gỗ lớn đan xen rừng lồ ô tại xã Phú lý. Diện tích khu vực thác Ràng khoảng 15 ha với độ cao thác đổ khoảng 5m, chiều rộng khoảng 10-15m; nằm gần trạm kiểm lâm thác Ràng. Cảnh quan bên đường đi đến thác là rừng cây lồ ô, tre, nứa, nên có thể đầu tư khai thác sản phẩm du lịch dã ngoại.

Tài nguyên rừng: Khu BT TN-VH ĐN là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh ĐN, là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam đã được UNESCO công nhận. Khu BT nằm trên 11 xã thuộc 04 huyện của tỉnh gồm Vĩnh Cửu, Định Quán, Trảng Bom và Thống Nhất; nhưng phần lớn diện tích và tài nguyên rừng nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu. Hiện Khu BT đang quản lý khoảng 67.630 ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng đặc dụng là 63.200 ha. Hệ sinh thái tại Khu Bảo tồn mang tính đa dạng sinh học cao, phong phú cả về chủng loại lẫn số lượng, hệ thực vật có 1.552 loài, hệ động vật có 1.819 loài; trong đó có nhiều loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ tiệt chủng được ghi vào sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Hiện Khu BT đang xin ý kiến UBND tỉnh ĐN để xây dựng khu động vật bán hoang dã (safari) với diện tích khoảng 400 ha. Ngoài các loại hình du lịch tại Khu BT đang khai thác, thì khi safari hình thành sẽ là một điểm đến tuyệt vời đối với du khách.

Đặc điểm tài nguyên sông: Sông Đồng Nai bắt nguồn từ phía Bắc cao nguyên Lâm Viên, phía Nam dãy Trường Sơn, đến địa bàn huyện Vĩnh Cửu sông Đồng Nai chảy suốt chiều dài địa lý của 07 xã, từ xã Bình Hòa đến xã Hiếu Liêm. Dòng sông Đồng Nai với phù sa mỡ màng bồi đắp đã làm nên những vườn cây trái sum xuê. Nổi tiếng có bưởi Tân Triều, cam quýt Hiếu Liêm, xoài Phú Lý. Với tiềm năng này, đã có Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Gia Bảo đầu tư tuyến du lịch đường sông, kết nối từ cù lao Ba Xê (TP BH) đến các xã của huyện Vĩnh Cửu. Dọc tuyến đường sông sẽ đầu tư các cầu tàu du lịch, nhà hàng nổi trên sông, kết nối với các vườn cây ăn trái tại các xã phía Nam huyện, đến thăm Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đền thờ các Tướng lĩnh miền Nam, điểm du lịch tại xã Trị An, xây dựng các điểm dừng chân, các điểm nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tại xã Hiếu Liêm. Khi hoàn tất các hạng mục đầu tư, tuyến du lịch đường sông hứa hẹn là một điểm đến không thể thiếu trong hành trình của bạn.


Đặc điểm tài nguyên hồ:  Trên địa bàn huyện có rất nhiều hồ có thể đầu tư để phát triển du lịch: hồ Trị An, hồ Vườn ươm, hồ Bà Hào, hồ Sen v.v…. 

 Hồ Bà Hào có diện tích trên 400 ha, hồ Vườn ươm trên 20 ha, hồ sen trên 07 ha và nhiều hồ lớn nhỏ trong các trảng, các ấp của các xã Mã Đà, Phú Lý, Hiếu Liêm; các hồ này góp phần quan trọng trong việc dự trữ nguồn nước mặt, điều tiết khí hậu, bảo tồn, phát triển hệ sinh thái, cảnh quan và hoàn toàn có thể xây dựng sản phẩm và loại hình du lịch, đặc biệt du lịch sinh thái, vui chơi giải trí như dù kéo, cano trượt nước, thuyền buồm, máy bay thể thao cánh mềm, câu cá, du lịch nghỉ dưỡng.v.v.

 Trong các hồ có hồ Trị An có diện tích mặt nước lớn nhất, với khoảng 32.400 ha, trên hồ có khoảng 70  đảo lớn nhỏ, đa dạng về loại hình, các đảo có diện tích từ 2 đến 10 ha như đảo Xanh, đảo Đá, đảo Năm Bầu, đảo Tây Ninh 2, v.v; lớn nhất là đảo Ó – đảo Đồng Trường với diện tích khoảng 23 ha, đang được công ty Cường Thuận IDICO đầu tư khai thác. Hy vọng một ngày không xa, khi trở lại nơi này, sẽ nhìn thấy Đảo Ó-Đồng Trường không chỉ là những hòn ngọc xanh lấp lánh giữa trời nước mênh mông mà khi những hạng mục công trình đã đầu tư hoàn tất sẽ làm say lòng du khách.

Với tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên vốn có, Huyện Vĩnh Cửu định hướng phát triển du lịch sinh thái: rừng, sông, hồ và du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, gắn với sản xuất nông sản sạch để phục vụ du khách (du lịch sinh thái xanh)./. 

Nguyễn Thị Dung

Phòng Văn hóa& Thông tin


Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH CỬU - ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai
Chịu trách nhiệm: Bà Nguyễn Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu - Cơ quan thường trực: Phòng Văn hóa và Thông tin
Địa chỉ: Khu phố 2, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. 
Điện thoại: (0251).3861114; Fax: (0251).3861114; Email: ubnd-vc@dongnai.gov.vn
® Ghi rõ nguồn " UBND huyện Vĩnh Cửu " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​​