Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024)
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận

Công tác dân vận được xác định là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh và củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Đảng ta và Bác Hồ luôn xác định: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Kế thừa và phát triển tư tưởng “dân là gốc” của cha ông ta, Đảng ta luôn nhấn mạnh đến vấn đề lực lượng và phương pháp cách mạng là phải luôn dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân để tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước. Đây cũng là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Người cũng nghiêm khắc phê phán mọi biểu hiện quan liêu, xa rời Nhân dân, không tôn trọng Nhân dân, vi phạm quyền làm chủ của Nhân dân.

Tổng kết hơn 30 năm đổi mới, một lần nữa Đảng ta đã rút ra bài học kinh nghiệm quan trọng, đó là: Đổi mới phải luôn quán triệt quan điểm lấy dân làm gốc, dân là gốc, vì lợi ích của Nhân dân, dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Do vậy, công tác dân vận luôn được đề cập và quán triệt sâu sắc: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; “Triển khai thực hiện tốt Quy chế dân vận trong hệ thống chính trị; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác vận động Nhân dân”.

Để làm tốt hơn nữa công tác Dân vận, đòi hỏi phải thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ và giải pháp về công tác dân vận, đó là:

Thứ nhất, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nền kinh tế thị trường với sự vận hành đầy đủ các quy luật, như quy luật giá trị, quy luật cạnh trạnh, quy luật cung cầu, sẽ tác động đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Quá trình này đòi hỏi người cán bộ làm công tác dân vận phải hiểu biết đầy đủ những tác động, những thách thức đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, địa phương và công tác dân vận chỉ có hiệu quả khi gắn được với cuộc sống của người dân. Có như vậy, Nhân dân mới thấy được những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành chính là làm cho cuộc sống của mỗi người dân ngày một tốt đẹp hơn. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của Nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân.

Thứ hai, kịp thời cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Tiếp tục cụ thể hóa mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ", nhất là nội dung "Nhân dân làm chủ" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Để đường lối, chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống cần phải kịp thời cụ thể hóa theo nguyên tắc: Mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải thuận với lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Theo tinh thần đó, cần phải cụ thể hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận thành mục tiêu, nhiệm vụ để lãnh đạo chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân thực hiện... Đặc biệt, cần tiếp tục cụ thể hóa mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định về hình thức, cơ chế, biện pháp thích hợp để Nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Nhân dân…

Thứ ba, tăng cường và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận chính quyền. Thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.

Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, chính quyền cần phải giải quyết kịp thời những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân và khiếu kiện, tố cáo của công dân. Tại Hội nghị toàn quốc về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu, các cơ quan hành chính nhà nước khi tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải “đặt mình vào vị trí của người dân”, “giải quyết việc cho dân thấu tình đạt lý, không tham ô, tham nhũng”, đồng thời cũng chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo hiện nay, đó là:

- Thứ nhất, đa số các khiếu nại, tố cáo liên quan đến khiếu nại hành chính về đất đai, thu hồi đất, tái định cư do giá đền bù chưa hợp lý, trình tự thu hồi đất không minh bạch, rõ ràng, bố trí nơi tái định cư điều kiện sinh hoạt khó khăn...;

Thứ hai, một số quy định của pháp luật cần được tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tiễn, nhất là pháp luật về đất đai, trong đó có vấn đề giá đất…;

- Thứ ba, do người đứng đầu địa phương, đơn vị còn chưa coi trọng đúng mức công tác tiếp công dân, chưa công khai lịch tiếp dân, ngại đối thoại với dân, chưa thực sự quan tâm tới quyền lợi chính đáng của người dân, giải quyết chậm, kéo dài, làm người dân phải chờ đợi lâu, thậm chí giải quyết sai sót, khiến người dân bức xúc và khiếu kiện vượt cấp.

Trong thời gian tới, để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận chính quyền cần phải tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền; khắc phục hiệu quả những hạn chế trong công tác dân vận chính quyền, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, gần dân, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân để hướng tới mục tiêu củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước đã được quy định trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, như: Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25-2-2010 của Bộ Chính trị về ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Kết luận số 114-KL/TW ngày 14-7-2015 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới…, đặc biệt là các quan điểm về công tác dân vận đã được nêu trong Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Trong hệ thống chính trị, công tác dân vận là nòng cốt, vì vậy cần nâng cao chất lượng việc triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận; dự báo và đánh giá chính xác, kịp thời những diễn biến tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách và biện pháp phù hợp nhằm tạo sự chuyển biến mới, thiết thực, hiệu quả hơn trong công tác dân vận. Đây là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

                                                                                                Văn Duấn​

Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH CỬU - ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai
Chịu trách nhiệm: Bà Nguyễn Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu - Cơ quan thường trực: Phòng Văn hóa và Thông tin
Địa chỉ: Khu phố 2, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. 
Điện thoại: (0251).3861114; Fax: (0251).3861114; Email: ubnd-vc@dongnai.gov.vn
® Ghi rõ nguồn " UBND huyện Vĩnh Cửu " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​​