Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024)
Trọn cuộc đời vì nước vì dân

Trọn cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết lòng vì nước, vì dân. Khi ra đi, trái tim và khối óc vĩ đại của Người để lại những lời căn dặn cuối cùng quý báu cho toàn Đảng, toàn dân và các thế hệ mai sau. Bản Di chúc lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng của chúng ta.

Hinh Tron Cuoc Doi Vi Nuoc Vi Dan.png
Bác Hồ viết Di chúc. Ảnh: Tư liệu

Trong Di chúc, mặc dù Bác nói: “Chỉ để lại mấy lời, chỉ nói tóm tắt vài việc nhỏ thôi”, nhưng Di chúc là cả một sự tổng kết kinh nghiệm quý báu trên nhiều mặt trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của Người, thể hiện tấm lòng yêu nước, thương dân sâu đậm, lập trường giai cấp vô sản kiên định, đạo đức cách mạng sáng ngời, quan điểm quần chúng rất sâu sắc.

* Chăm lo hạnh phúc cho dân

Trọn cuộc đời, Bác đã xuất sắc làm người con trung thành của Đảng, người công bộc hết lòng tận tụy vì dân. Ở Bác không gợn chút riêng tư. Cái riêng của Bác đã hóa thân vào cái chung của dân tộc và của nhân loại cần lao và tiến bộ. Sự hòa quyện máu thịt giữa cuộc đời riêng của Bác với một tấm lòng nhân ái mênh mông vào cuộc sống và hạnh phúc chung của dân tộc tự nhiên như không khí và đất trời. Đến lúc ra đi, Bác cũng chỉ nghĩ đến việc chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân. Viết Di chúc chuẩn bị từ giã cõi đời, lòng vẫn mang nặng một nỗi niềm vì dân vì nước với lời căn dặn ân cần: “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Năm 1968 - sau 3 năm viết bản thảo Di chúc, xem lại những điều đã viết, Bác đã cẩn thận “viết thêm mấy điểm” để căn dặn lại những việc cần làm sau khi kháng chiến thắng lợi: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Bác mong muốn khi cách mạng thành công, Đảng, Chính phủ và đồng bào cả nước đồng tâm, hợp lực để chăm lo cho: những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình cho cách mạng; cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ; những người trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang; phụ nữ; những người nông dân và cả những nạn nhân của chế độ xã hội cũ.

“Riêng với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”. Bác của chúng ta là vậy, luôn thủy chung tình nghĩa sắt son và thấu đáo với mọi lớp người. Bác là tượng trưng cho những giá trị cao đẹp nhất trong quan hệ giữa con người với con người: kính già, yêu trẻ, tôn trọng phụ nữ… Như lời bài thơ của Tố Hữu khi viết về Bác:

Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông mọi kiếp người”.

* Không có chút riêng tư

Còn về phần riêng của Bác, cho đến nay vẫn không ai cầm được nước mắt mỗi khi nghe đến đoạn Bác nói về hỏa táng thi hài mình: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Bác còn cẩn thận căn dặn kỹ càng: “Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những ngưới đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi”. Trong 79 từ “về việc riêng” của Di chúc, trong 79 mùa xuân của cuộc đời Bác tuyệt nhiên không tìm thấy có chút riêng. 

Chúng ta càng thấm thía và xúc động bao nhiêu khi những dòng cuối của Di chúc với những lời tâm huyết Bác viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” cùng với những dòng thân tình dặn lại: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”. Bác chúng ta khi còn sống cũng như khi đi vào cõi vĩnh hằng vẫn một lòng đau đáu vì Đảng, vì dân. Tự những điều đó đã làm cho Bác trở nên vĩ đại trong lòng dân tộc và bạn bè thế giới.

Năm nay tròn 50 năm thực hiện Di chúc của Bác. Do ý nghĩa đặc biệt ấy, với lòng thành kính nhớ ơn Người, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta phải tự xem xét lại mình một cách cặn kẽ đã sống, học tập, rèn luyện, làm việc như thế nào và phải tiếp tục làm gì để thực hiện Di chúc của Bác, để những điều căn dặn của Bác trong Di chúc trở thành hiện thực sâu rộng trong cuộc sống hôm nay.

Nguồn: Báo Đồng Nai

Các tin khác

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH CỬU - ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai
Chịu trách nhiệm: Bà Nguyễn Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu - Cơ quan thường trực: Phòng Văn hóa và Thông tin
Địa chỉ: Khu phố 2, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. 
Điện thoại: (0251).3861114; Fax: (0251).3861114; Email: ubnd-vc@dongnai.gov.vn
® Ghi rõ nguồn " UBND huyện Vĩnh Cửu " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​​