“Làng văn hóa - du lịch Tân Triều” tại khu vực cù lao Tân Triều, xã Tân Bình là mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn mộc mạc, tự nhiên nhưng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa sâu sắc. Đây không chỉ là điểm đến tham quan vườn mà còn là nơi thưởng thức những món ăn ngon được chế biến từ bưởi với không gian xanh, nếp nhà và ẩm thực đặc trưng.
Những năm gần đây, nông dân trồng bưởi Tân Triều đã áp dụng hiệu quả công nghệ sử dụng men vi sinh IMO kết hợp với các phụ phẩm nông nghiệp từ các loại rau củ, trái cây, cá,… để sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học chăm sóc cây bưởi. Nhờ đó, đã nâng cao giá trị trái trái bưởi, góp phần xây dựng thương hiệu cho trái bưởi địa phương trong lòng người tiêu dùng. Giờ đây, người dân Tân Triều phát triển bưởi không chỉ đơn thuần bán cho thương lái mà còn phát triển du lịch cộng đồng.
Mới đây, Làng bưởi Tân Triều đã đón tiếp đoàn khách du lịch Singapore đến tham quan và trải nghiệm tại nhà ông Phạm Văn Phẩm là hộ dân trồng bưởi lâu năm ở ấp Tân Triều. Tại đây, đoàn hòa mình vào không gian xanh mát của vườn bưởi và thưởng thức các món đặc sản làm từ bưởi gắn liền với thương hiệu Làng bưởi Tân Triều. Chia sẻ về cảm giác lần đầu đón khách du lịch nước ngoài, ông Phẩm khá hồi hộp và bối rối vì chưa có những kỹ năng làm dịch vụ du lịch. Ông cho biết, gia đình ông lâu nay chỉ quen làm nông nghiệp truyền thống, chưa từng đón khách du lịch tới tham quan. Tuy nhiên, khi thấy du khách sử dụng sản phẩm của mình và quan tâm đến những câu chuyện làm nông nghiệp, ông Sáu Phẩm cảm thấy hào hứng và tự tin hơn. Ông Phẩm chia sẻ: “Vườn bưởi của gia đình tôi là vườn bưởi sạch nên bảo đảm sức khỏe. Tôi hy vọng thời gian tới sẽ được tập huấn những kỹ năng làm du lịch để có thể tự tin đón khách du lịch, nhất là du khách quốc tế”.
Kỳ vọng vào sự phát triển du lịch tại địa phương, trong thời gian tới, nông dân làng bưởi Tân Triều - Ngô Văn Sơn cho rằng, nếu mô hình du lịch cộng đồng phát triển, người dân sẽ có thêm kênh quảng bá, tiêu thụ và nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương. Đây là điều mà nhiều bà con mong muốn để bảo đảm đầu ra cho nông sản.
Theo ông Sơn, trước đây, bà con làm nông nghiệp chỉ để mua bán, có thu nhập từ nông sản đơn thuần. Do đó, khi làm du lịch, nếp sinh hoạt của bà con phải chỉn chu hơn, có kỹ năng đón tiếp khách tới nhà. Để làm được những điều này, theo ông Sơn, bà con rất cần có sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan có chính sách đào tạo, tập huấn kiến thức làm du lịch cho nông dân.
Cùng tham gia hướng dẫn đoàn khách du lịch Singapore, Tiến sỹ Dương Đức Minh - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học, đào tạo, Viên nghiên cứu phát triển kinh tế - Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “khi mà chúng tôi có cơ hội kết nối du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến với làng bưởi Tân Triều thì chúng tôi cảm nhận được cái sự đón tiếp nồng hậu của người dân. Đó là một trong những cái tình cảm mà cái chất liệu về mặt nghệ thuật đón tiếp và kỹ năng đón tiếp rất là phù hợp để có thể triển khai các cái hình thái du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch nông thôn. Khi mà chúng tôi được đến với các làng bưởi thì gần như du khách ngỡ ngàng với lại cái cách thức; bà con đã dùng trí tuệ và công sức lao động của mình để có thể có những cái vườn bưởi xanh tươi trồng theo cái định hướng sạch và hữu cơ, đó là những cái chất liệu khiến cho cái người tiêu dùng họ cảm thấy an tâm hơn”
Mô hình du lịch cộng đồng “Làng văn hóa - du lịch Tân Triều” tập trung vào các giá trị cốt lõi của bưởi như hệ sinh thái cảnh quan vườn; không gian bảo tồn các giống cây trồng bản địa là bưởi ổi, bưởi đường lá cam…Cấu trúc không gian sinh thái du lịch nông nghiệp cùng với việc cũng cố nét văn hóa làng mạc nông thôn, cảnh quan hữu tình, người dân nồng hậu chính là cơ sở để Tân Triều có thể hình thành nên những sản phẩm du lịch “gây thương nhớ” cho du khách khi đến với làng bưởi Tân Triều. Cùng với chính sách phát triển du lịch của tỉnh Đồng Nai hy vọng đây là cơ hội mới để du lịch huyện Vĩnh Cửu nâng tầm và có thương hiệu du lịch đầu tiên./.