“Sống trên đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không?
Để gió cuốn đi”. Lời hát như một chân lý sống của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn càng ý
nghĩa hơn lúc nào hết trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 đến mọi
mặt của đời sống. Âm thầm nhưng lan tỏa những việc làm bình dị nhưng hết sức
cao đẹp đó là cô Nguyễn Thị Phương Thảo – Kế
toán trường Tiểu học Cây Gáo A - Thị trấn Vĩnh An - Vĩnh Cửu - “Người giữ ấm
mùa dịch”
Dịch bệnh Covid-19 thời gian qua đã làm ảnh
hưởng sâu rộng đến sức khỏe, đời sống của người dân. Xuất phát từ sự tử tế,
tình yêu thương được kết nối, lan tỏa từ những tấm lòng vàng của nhiều cá nhân, doanh nghiệp chung tay với các cấp, các
ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn huyện Vĩnh
Cửu với những việc làm, nghĩa cử cao đẹp hay những mô hình hay, cách làm sáng
tạo để quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Xin đơn cử tấm gương sáng của cô
Nguyễn Thị Phương Thảo – Kế toán trường Tiểu học Cây Gáo A – Thị trấn Vĩnh An –
Vĩnh Cửu – “Người giữ ấm” mùa dịch cho nhóm nấu nước Chanh, Gừng, Sả, Mật Ong
lên men và “Người giữ ấm” cho rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn của một
số trường học trên địa bàn Thị trấn Vĩnh An trong thời gian gần 04 tháng qua.

Hàng ngày, từ ngày 15/7/2021 đến cuối tháng
11/ 2021, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn, Cô
Nguyễn Thị Phương Thảo đã cùng nhóm làm IMO Mật Ong lên men và nấu nước vẫn
hàng ngày đến sớm và hỗ trợ hết mình trong công tác nấu nước Chanh, Gừng, Sả,
Mật Ong lên men…tại Nhà bếp của UBND Huyện Vĩnh Cửu. Nhanh nhẹn, tháo vác, có
tâm là những gì mọi người nhận xét về Cô. Và quả thật đúng như vậy! Gần 04
tháng là Bếp trưởng trong công tác nấu nước uống tăng cường sức đề kháng gửi
đến các khu cách ly F0, F1, các khu trực chốt trên địa bàn Huyện, Cô đã không
nghỉ một ngày nào. Có thể nói, các khâu khác còn có người hỗ trợ, làm thay
được, riêng Bếp trưởng này vẫn đảm bảo “giữ lửa” cho toàn nhóm suốt một thời
gian dài. Bởi theo Cô tâm sự: “Vì dịch bệnh Covid-19 mà bao người vất vả ngoài
kia, mình chỉ giúp được một chút như này không có đáng chi”.

Công
việc gắn liền với xoong nồi, bếp, lửa, những nguyên vật liệu đã được sơ chế…và
cách nấu làm sao để tinh chất của các loại nguyên vật liệu được giữ giá trị cao
nhất khi sử dụng thì đòi hỏi sự kinh nghiệm của người đầu bếp khéo léo này. Bản
thân Cô được mọi người khâm phục còn là sức khỏe, sự chịu đựng bền bỉ hàng ngày
trước sức táp của ngọn lửa, của hơi nóng mà những nồi nước to phải hai thanh
niên khỏe mạnh mới khiêng nổi.

Nhìn
mồ hôi mẹ mồ hôi con đua nhau chảy nhiều lúc mấy anh thanh niên còn phải bái
phục chứ đừng nói chi các chị, em như chúng tôi. Phải nói là: Cô Thảo rất bản
lĩnh, nhiệt tình trong suốt gần 04 tháng qua. Vâng, có những câu chuyện nhiều
lúc chỉ là nói vui để tạo thêm bầu không khí trong căn bếp nhỏ kia như: mồ hôi
như tắm, đứt mấy đôi dép, nám hết làn da mặt…cũng làm mọi người thương Cô hơn
và càng tiếp thêm động lực để chúng tôi chung tay góp sức mình vào công việc
chung, trân quý hơn những Chiến sĩ Áo trắng ngoài kia phải mặc những lớp đồ bảo
hộ cả ngày lẫn đêm chống dịch.

Nhanh
nhẹn, tháo vác, tính toán hợp lý để đem lại hiệu quả cao cho nhóm khi làm việc
một cách khoa học. Chính vì vậy, trung bình hàng ngày cung cấp khoảng 600 lít
nước và có thời điểm 1000 lít nước nhưng vẫn đảm bảo cho các bộ phận pha chế,
đóng chai, vận chuyển đúng giờ.
Dẫu
biết rằng mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh khác nhau, công việc không
chuyên nên lúc đầu còn bỡ ngỡ, còn khó khăn nhiều thứ như thiếu nguyên vật liệu
hay thiếu xoong, nồi…nhưng Cô cũng chẳng kêu than một lời và bằng việc làm của
bản thân Cô không chỉ làm mỗi một công việc trong bếp mà Cô còn xông xáo cắt
gừng, đập xả, hay đóng chai cùng mọi người. Khu bếp luôn sạch sẽ, làm đến đâu
gọn đến đó cũng giúp cho mọi người thấy yên tâm, thoải mái tuyệt đối khi trực
tiếp dùng thử nước uống do chính nhóm thực hiện.

Nấu
xong, Cô còn gọi từng người vào tận dụng xác Gừng, Sả để xông, giúp cho mọi
người phần nào yên tâm và bảo vệ sức khỏe. Cô cũng thường xuyên đưa ra những
lời khuyên hay, góp ý chân thành trong cách làm việc của mọi người, giúp công
việc vận hành một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Âm thầm nhưng lan tỏa những việc làm hết sức
cao đẹp khiến nhiều người khâm phục còn phải kể đến sự kêu gọi giúp đỡ từ một số
bạn bè của Cô để có thêm các nguyên vật liệu như Đường, Chanh, Gừng, Sả…Bên cạnh
đó, là tấm lòng nhân ái, thiện nguyện của Cô dành cho các học sinh nghèo, học
sinh có hoàn cảnh khó khăn tại một số trường trên địa bàn thị trấn Vĩnh An, huyện
Vĩnh Cửu.
Cụ thể
đó là, Cô đã trực tiếp tặng điện thoại của con trai Cô đang sử dụng cũng như tặng
học bổng trị giá 01 triệu đồng; vận động Cô Nguyễn Thị Mỹ Phương – KP2 tặng 05
cái điện thoại mới cho 05 học sinh có hoàn cảnh khó khăn thiếu thiết bị học tập
trực tuyến tại nhà do ảnh hưởng của Covid-19 và tặng 50 phần quà trị giá khoảng
15 triệu cho 50 học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường THCS Lê Quý Đôn vào
ngày 20/10/2021.
Cô cũng
được các bạn bè, anh chị em tin tưởng liên hệ và ủy quyền trao 270 phần quà trị
giá 300.000đ/phần với tổng kinh phí khoảng 81 triệu đồng và 15 cái điện thoại
di động mới khoảng 40 triệu đồng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn của một
số trường trên địa bàn huyện như trường Tiểu học Cây Gáo A, Cây Gáo B, trường
THCS Lê Quý Đôn, trường THPT Trị An.

“Sống trên đời sống cần có một tấm lòng. Để
làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi”. Lời hát như một chân lý sống của nhạc
sĩ Trịnh Công Sơn càng ý nghĩa hơn lúc nào hết trong thời điểm khó khăn do ảnh
hưởng dịch Covid-19 đến mọi mặt của đời sống. Những con người tử tế, những tấm
gương tích cực, nhiệt tình, không ngại khó khăn, gian khổ đã tiếp thêm sức mạnh
cùng với các cấp, ban, ngành, đoàn thể trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh
Covid-19 vì ngoài kia gió có mạnh đến đâu, trời có lạnh đến mấy thì sự tử tế của
mỗi người sẽ luôn giữ ấm cơ thể, luôn là sợi dây kết nối, là thước đo mọi yêu
thương giữa con người với con người lại với nhau./.
NGƯỜI VIẾT
Lưu Thị Thanh
Huyền
(GV
trường THCS Lê Quý Đôn)