Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024)
Người “giữ lửa” cho Nồi cháo tình thương

Đều đặn hàng tháng, bác Nguyễn Thanh Tùng ở Khu phố 2, thị trấn Vĩnh An lại lên Văn phòng Hội Chữ thập đỏ huyện Vĩnh Cửu trao số tiền mà Bác đóng góp và vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân ủng hộ để bổ sung vào Quỹ nhân đạo Chữ thập đỏ huyện. Đây là số tiền dùng để tổ chức nấu Nồi cháo tình thương tại Trung tâm Y tế huyện. Cứ mỗi lần Bác lên, mọi người trong cơ quan lại vui vẻ trêu bác: “A! Người giữ lửa cho cháo tình thương đã đến rồi”. 

bt.jpg 


“Nồi cháo tình thương" của Hội Chữ Thập đỏ huyện đặt tại Trung tâm Y tế huyện được khai trương từ tháng 3 năm 2013. Hơn 10 năm nay, “Nồi cháo tình thương" vẫn duy trì đều đặn, bình quân hàng ngày cấp 40 suất cháo miễn phí cho các bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nằm điều trị tại Trung tâm Y tế huyện. Trong suốt khoảng thời gian Nồi cháo tình thương được hình thành đến nay, bác Tùng là người luôn gắn bó, đóng góp công sức và kinh phí để nấu những chén cháo đong đầy tình thương gửi đến những bệnh nhân nghèo, khó khăn.
Bác Tùng sinh năm 1952, nguyên quán tại Thừa Thiên Huế. Trước giải phóng, gia đình Bác sinh sống tại Sài Gòn. Đến tháng 7 năm 1975, cả gia đình về sinh sống tại huyện Vĩnh Cửu, riêng Bác vẫn ở và làm công nhân trên Sài Gòn cho đến năm 1996 thì chuyển công tác về Công ty Thuỷ sản thuộc Sở Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai. Năm 1997, Bác được bổ nhiệm làm Phó Trưởng trạm Thuỷ sản Trị An và công tác tại đó cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2012. Trong quá trình công tác, Bác được mọi người tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND thị trấn Vĩnh An liên tiếp 02 nhiệm kỳ (nhiệm kỳ 2011 - 2016 và 2016 - 2021). Sau khi nghỉ hưu, Bác tham gia công tác chi Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ của Thị trấn Vĩnh An và tích cực đóng góp cho các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Bác đang là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Chữ thập đỏ huyện từ năm 2016 đến nay.

Phat chao.jpg

Chúng tôi gọi Bác là “người giữ lửa” cho Nồi cháo tình thương, bởi Bác chính là một trong hai người khởi xướng thành lập Nồi cháo tình thương. Bác cũng chính là người đóng góp và trực tiếp vận động nguồn lực để thực hiện Nồi cháo. Khi được hỏi cơ duyên nào mà Bác có ý tưởng đó thì Bác kể: “khoảng năm 2012, trong một lần đi khám bệnh tại Bệnh viện huyện, tôi thấy những bệnh nhân nằm điều trị tại đây đa số là người nghèo khổ mà phải đi ra ngoài mua những bát cháo, cái bánh ăn để có sức chống chọi với bệnh tật. Tôi rất thương cảm với những hoàn cảnh đó nên chợt nảy ra ý tưởng tổ chức nồi cháo tình thương tại Bệnh viện để đem đến những bát cháo nóng chia sẻ với những người bệnh. Tôi đã gợi ý, bàn bạc với vợ về chuyện đó, sau đó lên trao đổi với Chị Nguyễn Thị Thu Vân, lúc đó là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện về việc thành lập Nồi cháo tình thương”. 
Nói về việc thành lập Nồi cháo tình thương, Chị Nguyễn Thị Thu Vân - Nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện cho biết thêm: “Thời điểm Bác Tùng lên trao đổi với tôi về việc thành lập Nồi cháo tại Trung tâm Y tế huyện thì bản thân tôi cũng đã có ý tưởng đó và đang chuẩn bị thực hiện. Thế là tôi và Bác Tùng cùng trao đổi, bàn bạc về cách thức và nguồn kinh phí để tổ chức nồi cháo. Thời gian đầu khi mới nấu cháo, nguồn kinh phí chủ yếu trích từ Quỹ nhân đạo của Hội, sau đó Bác Tùng vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân ủng hộ, đóng góp thêm. Bác Tùng rất tích cực và làm rất tốt cônng tác vận động nguồn lực, đã đóng góp kinh phí rất lớn để thực hiện nồi cháo”
Để có nguồn kinh phí ổn định nhằm duy trì nồi cháo lâu dài, Bác Tùng đã tích cực vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân ủng hộ, đồng thời bản thân Bác cũng trích một phần lương hưu của mình đóng góp. Bác cho biết, thời gian đầu mới thực hiện nồi cháo, Bác gặp một số khó khăn trong việc tìm và vận động nguồn lực. Khi đến nhà vận động mạnh thường quân ủng hộ Nồi cháo tình thương, có một số người từ chối thẳng thừng vì không tin tưởng giao tiền cho Bác, do đó số người tham gia rất ít, được khoảng chục người. Tuy nhiên, không vì thế mà Bác nản lòng. Bác vẫn kiên trì đi vận động và đau đáu suy nghĩ phải làm cách nào để mọi người tin tưởng vào việc làm của mình. Từ những hoàn cảnh khó khăn và những dẫn chứng cụ thể Bác nêu ra để vận động, thuyết phục mọi người bằng những lời lẽ chân thật, giản dị nhưng tâm huyết của một người làm công tác nhân đạo, từ thiện: một tháng đóng góp không nhiều, tuỳ lòng hảo tâm của mọi người, mình ăn bao nhiêu cũng hết. Nhiều khi anh em, bà con của mình cũng nằm điều trị trên đó, thôi thì mỗi người một ít cùng chung tay giúp đỡ “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. 
Song song với việc thuyết phục bằng lời lẽ, Bác còn thuyết phục mọi người bằng chính những việc làm vô tư, không vụ lợi của mình. Hàng tháng, Bác rong ruổi trên chiếc xe máy đi thu tiền ủng hộ Nồi cháo của từng người, có những người ở tận xã Vĩnh Tân, hay ở những khu vực sâu xa của Khu phố 4, thị trấn Vĩnh An, giáp xã Trị An nhưng Bác không nề hà, ngại khó ngại khổ, tiền xăng xe đi thu tiền Bác cũng tự trang trải. Có những tháng vì một vài lý do mà Bác chưa thu được hết của mọi người thì Bác tự ứng tiền của mình để nộp về Quỹ cho kịp thời rồi thu bù lại sau. Bên cạnh đó, Bác cũng rất minh bạch trong việc đi thu tiền, nộp tiền về huyện Hội. Sau khi nộp tiền về Quỹ nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ huyện, Bác sẽ trả phiếu thu của Hội Chữ thập đỏ huyện cho các nhà hảo tâm, mạnh thường quân (trên đó có thể hiện tên, địa chỉ và số tiền đóng góp cụ thể của từng người). Sự tâm huyết, cẩn thận, trách nhiệm và minh bạch trong mọi việc đã tạo được uy tín, khiến các mạnh thường quân thật sự tin tưởng khi giao tiền cho Bác để nộp về Quỹ nhân đạo Chữ thập đỏ. Mọi người nhận ra việc làm của Bác đều xuất phát từ cái “Tâm”, thật ý nghĩa và nhân văn nên đồng tình ủng hộ, đồng thời còn giới thiệu thêm những nhà hảo tâm, mạnh thường quân khác để họ kết nối với Bác. 
Chính vì vậy, mạng lưới mạnh thường quân, nhà hảo tâm do Bác vận động được lan toả, mở rộng thêm, không chỉ trong huyện Vĩnh Cửu mà còn ở Thành phố Biên Hoà và Thành phố Hồ Chí Minh. Có những thời điểm bác vận động được hơn 60 người tham gia đóng góp cho nồi cháo với số tiền trên 13.000.000 đồng/tháng. Đến nay, số nhà hảo tâm, mạnh thường quân do bác Tùng vận động luôn duy trì từ 30 đến hơn 40 người và số tiền nộp về huyện Hội trung bình khoảng 7.000.000 đồng/tháng.
Ngoài việc vận động, thu nộp tiền ủng hộ Nồi cháo tình thương, Bác Tùng còn tích cực tham gia các việc tử tế và nhân đạo khác. Tại địa phương, những gia đình nào có hiếu sự, Bác luôn tận tình đến phụ giúp, chu toàn một số việc trong lúc tang gia gặp chuyện buồn. Bác cũng là tình nguyện viên tích cực trong các hoạt động từ thiện, xã hội. Là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Chữ thập đỏ huyện, đồng thời là người đóng góp nguồn lực để thực hiện Nồi cháo nên Bác Tùng cũng rất chú trọng việc nâng cao chất lượng Nồi cháo. Thỉnh thoảng, Bác cùng Thường trực Hội Chữ thập đỏ huyện lên Trung tâm Y tế kiểm tra xem cháo nấu ra sao, các nguyên liệu dùng nấu cháo như rau củ, thịt có được tươi ngon, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm hay không? Nếu thấy cháo chưa đạt thì đề xuất, góp ý với người nhận nấu cháo cải thiện chất lượng nhằm đem đến cho bệnh nhân những tô cháo thơm ngon, bổ dưỡng.  Bác tham gia nhiều công việc thiện nguyện nên Bác rất bận rộn, ít khi có thời gian ở nhà. Chính vì vậy mà cô Nga - vợ Bác nói đùa với tôi: “Ổng chỉ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng thôi”. Những lúc rảnh rỗi ở nhà, Bác thường dành thời gian chăm sóc cây kiểng và đọc sách báo. Đây được coi là thú vui tuổi già của Bác. 

Hop BCH (1).jpg
“Bác Tùng là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Chữ thập đỏ huyện, một tình nguyện viên nhiệt tình và trách nhiệm. Bác tích cực đồng hành cùng Huyện hội trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Bác luôn tham gia đầy đủ các cuộc họp của Ban chấp hành huyện hội và có những đề xuất, ý kiến đóng góp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động Hội và đặc biệt là tâm huyết chăm lo, quan tâm đến việc duy trì và và cải thiện chất lượng của Nồi cháo tình thương” - Đây là  những chia sẻ của Bà Đỗ Thị Tuyết Hồng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện khi nói về Bác. 
Mô hình “Nồi cháo tình thương" của Hội Chữ Thập đỏ huyện đã duy trì được hơn 10 năm. Giá trị nồi cháo trong một năm tối thiểu 87.000.000 đồng phục vụ cho khoảng 14.400 lượt bệnh nhân nghèo điều trị tại Trung tâm y tế huyện. Xuyên suốt thời gian gắn bó với việc tổ chức thực hiện Nồi cháo tình thương, Bác Tùng đã đóng góp và vận động nguồn lực được khoảng 800.000.000 đồng. Sự thành công của Nồi cháo tình thương có phần đóng góp công sức, kinh phí rất lớn của Bác Tùng và Bác xứng đáng được ví von như “người giữ lửa” cho Nồi cháo tình thương luôn ấm, nóng mãi. 
Làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ", Bác Tùng vẫn luôn cố gắng để vận động được nhiều nguồn lực hơn nữa và luôn tâm niệm việc mình làm rất đỗi bình thường: “tôi chỉ muốn giúp cho mọi người trong lúc bệnh hoạn, gia đình khó khăn có tô cháo ăn bữa sáng cũng ấm lòng. Tôi không có khả năng làm được nhiều hơn nữa chỉ mong chia sẻ cho họ vơi bớt phần nào khó khăn. Tôi làm việc này chỉ bằng cái “Tâm” và sẽ ráng làm cho đến khi nào không làm được nữa thì thôi”
Với những đóng góp và cống hiến hết mình cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện, Bác Tùng đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp như: Được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nhân đạo”; Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai do đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm giai đoạn 2015-2019; Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai biểu dương gương "Người tốt – Việc tốt" và còn rất nhiều Bằng khen, giấy khen của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai và UBND huyện Vĩnh Cửu....
Là những người làm công tác nhân đạo, chúng tôi luôn mong muốn có thêm nhiều tấm gương như Bác Tùng, để các hoạt động thiện nguyện nói chung được lan toả rộng rãi và Nồi cháo tình thương - nói riêng được duy trì lâu bền mãi./.

Mai Hiên

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH CỬU - ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai
Chịu trách nhiệm: Bà Nguyễn Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu - Cơ quan thường trực: Phòng Văn hóa và Thông tin
Địa chỉ: Khu phố 2, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. 
Điện thoại: (0251).3861114; Fax: (0251).3861114; Email: ubnd-vc@dongnai.gov.vn
® Ghi rõ nguồn " UBND huyện Vĩnh Cửu " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​​