Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội", hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần hiệu quả vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà.
Chỉ thị 40-CT/TW thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách và đã có tác động mạnh mẽ, tích cực đến hoạt động tín dụng chính sách cả nước nói chung và huyện Vĩnh Cửu nói riêng.
Ngay khi Chỉ thị 40 được ban hành, Huyện ủy Vĩnh Cửu đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện đến toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ huyện, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện, các Chi Đảng bộ cơ sở, UB MTTQVN và các đoàn thể CT-XH huyện…. về nội dung của Chỉ thị và các văn bản của các cấp thẩm quyền liên quan đến việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Nhằm cụ thể hóa nội dung Chỉ thị 40 để đưa vào tổ chức thực hiện, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 1267/KH-UBND ngày 17/11/2015 về thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TWcủa Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thông tư số 32-TT/TU ngày 09/7/2015 của Tỉnh ủy Đồng Nai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Trên cơ sở quán triệt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Từ đó, đã quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, cụ thể: Bố trí Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cấp huyện; quan tâm cấp nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH tại địa phương để bổ sung thêm nguồn lực cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; bố trí trụ sở làm việc; bổ sung, xác nhận đối tượng vay vốn; chỉ đạo củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng; quan tâm bố trí về địa điểm, thời gian, bảo đảm an ninh, an toàn đối với hoạt động giao dịch của NHCSXH tại Điểm giao dịch xã.
Đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện và các tổ chức chính trị - xã hội đang quản lý 211 tổ Tiết kiệm và vay vốn tại tất cả các ấp, khu phố trên địa bàn huyện. Đồng thời, tổ chức giao dịch tại 11/11 điểm giao dịch ở các xã, riêng thị trấn Vĩnh An giao dịch tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện. Hoạt động của TK&VV tại ấp, khu phố đã góp phần công khai được các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và các quy trình thủ tục của NHCSXH; người vay giao dịch trực tiếp với NHCSXH vào ngày cố định hàng tháng để vay vốn, trả nợ, gửi tiền tiết kiệm, trước sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, Tổ trưởng Tổ TK&VV và chính quyền địa phương.
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn NHCSXH được UBND huyện quan tâm, theo sát, tiến hành hỗ trợ bổ sung nguồn vốn từ Trung ương và của tỉnh, tổng nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đến 30/4/2024 tăng 374.616 triệu đồng (+81,3%), đạt 509.040 triệu đồng với 10.086 hộ còn dư nợ. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH tăng 30.500 triệu đồng; số dư đạt 33.661 triệu đồng.
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong 10 năm qua đã giúp 38.084 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với số tiền 1.058.952 tỷ đồng. Trong đó giúp 9.965 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn để sản xuất kinh doanh với số tiền 330.415 triệu đồng; giúp 8.020 hộ vay vốn; người lao động hỗ trợ tạo việc làm với số tiền 363.459 triệu đồng; giúp 3.549 hộ gia đình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, học nghề với số tiền 73.134 triệu đồng; giúp 16.411 hộ dân ở nông thôn vay vốn để xây dựng 29.539 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn; giúp 35 hộ thuộc đối tượng xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà để ở. Qua đó góp phần tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, phát triển giáo dục, dạy nghề, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Trong 10 năm đã giảm được 2.001 hộ nghèo và hộ cận nghèo,(tỷ lệ hộ nghèo Agiảm nhanh từ 0,38% cuối năm 2014 xuống còn 0,12% đầu năm 2024). Đến 30/4/2024, toàn huyện đã có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 02 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Với những nỗ lực và phấn đấu của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, các hoạt động tín dụng chính sách đã lan tỏa đến từng ngõ, từng nhà, từng khu phố đến với người dân, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện./.