Xác định công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt cải thiện, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mỗi người dân. Những năm qua, các hoạt động về nâng cao kiến thức và thực hành về an toàn thực phẩm luôn được các cấp, các ngành, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện tích cực đẩy mạnh; công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm sâu rộng, liên tục và tập trung tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Nhằm nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhận thức của người dân trong đảm bảo an toàn thực phẩm, ngày 31/7, UBND huyện đã ban hành kế hoạch Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu 06 tháng cuối năm 2024.
Theo đó, nội dung tuyên truyền chủ yếu là phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Kịp biểu dương các doanh nghiệp, tôn vinh các sản phẩm bảo đảm tốt chất lượng an toàn thực phẩm, các tổ chức, đơn vị có thành tích tốt trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; cũng như công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo quy định.
Tích cực nêu cao trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tăng cường trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của pháp luật. Tập trung vào những đối tượng có nguy cơ cao về ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bảo đảm an toàn điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Tuyên truyền, phổ biến, vận động người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
Để thay đổi các hành vi, thói quen vốn phổ biến trong xã hội có nguy cơ cao dẫn đến mất an toàn thực phẩm, ngoài việc tuyên truyền bằng hình thức truyền thống như treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, tờ rơi, xe thông tin lưu động… UBND huyện cũng chỉ đạo tăng cường thời lượng tuyên truyền thông qua kênh truyền thông đại chúng. Bên cạnh đó, chú trọng truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ y tế quản lý an toàn thực phẩm huyện, xã/thị trấn với các hình thức dễ tiếp thu như hướng dẫn thực hành cụ thể theo nhóm, nói chuyện chuyên đề. Hướng dẫn kiến thức an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở, người sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Để đảm bảo ATVSTP trên địa bàn huyện trong những tháng cuối năm, UBND huyện yêu cầu các đơn vị triển khai tổ chức thực hiện tốt kế hoạch. Trong đó, giao Phòng Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân huyện tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về An toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế; xử lý tố giác, phản ánh của tổ chức/cá nhân về các hành vi vi phạm ATTP. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương quy trình triển khai thực hiện công tác tuyên truyền an toàn thực phẩm nhằm đa dạng về hình thức và nội dung tuyên truyền. /.