Ngày 10/11/2022, tại xã Tân An, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Đồng Nai, UBND huyện Vĩnh Cửu tổ chức Hội thảo Nâng cao mô hình phân loại rác tại nguồn và sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rác hữu cơ trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện nay vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường đang là một thách thức lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội. Việc nâng cao hiệu quả phân loại rác tại nguồn và sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rác hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp là việc làm thiết thực và rất có ý nghĩa góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí, tận dụng khối lượng lớn chất thải rắn để sản xuất phân bón hữu cơ thực hiện kinh tế tuần hoàn, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Toàn cảnh hội nghị
Theo Sở Tài nguyên và Môi trưởng tỉnh, hiện nay Đồng nai có 09/09 Khu xử lý chất thải theo quy hoạch đều có nhà đầu tư và đã triển khai đi vào hoạt động, qua đó giúp hoàn thành chỉ tiêu về tỷ lệ, khối lượng thu gom và xử lý chất thải của tỉnh. Việc triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn toàn tỉnh có 43% số hộ dân toàn tỉnh tham gia. Theo số liệu báo cáo từ các huyện, thành phố, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý sau phân loại tại nguồn khoảng 404 tấn/ngày (đạt 21,5% so với khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh là 1.895 tấn/ngày).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh còn những tồn tại, thiếu đồng bộ trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho công tác thu gom, vận chuyển, trung chuyển còn hạn chế; Các địa phương chưa đầu tư/chuẩn hóa các điểm trung chuyển theo quy chuẩn, phương tiện thu gom chưa đáp ứng việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại từ các hộ dân dẫn đến người dân không có niềm tin trong việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Tại hội nghị, đại diện các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chia sẻ những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong việc phân loại rác tại nguồn. Đề cập đến vai trò của các ban, ngành, đoàn thể trong phối hợp triển khai thực hiện, nhất là trong công tác vận động, tuyên truyền, giám sát để nâng cao nhận thức của người dân từ đó tích cực tham gia.
Ông Phạm Lê Nhân, Bí thư xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu cho biết, việc tuyên truyền cho người dân về phân loại rác thải tại đã được địa phương triển khai từ rất lâu. Tuy nhiên, hiện nay ý thức của nhiều người dân chưa đạt với nhu cầu thực tế. Vì vậy để thực hiện tốt hơn thì ngoài việc tuyên truyền cần có chế tài pháp luật. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Xuân Tiên, Phó phòng Tài nguyên môi trường huyện Cẩm Mỹ chia sẻ, để làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác tại nguồn thì công tác giám sát là rất quan trọng.Nhiều người, nhiều đoàn thể cùng giám sát thì hiệu quả rất lớn. Vì vậy các cấp hội phải giám sát thường xuyên cũng như thực hiện việc tuyên truyền liên tục cho người dân. Thậm chí mạnh dạn in các điều khoản, chế tài xử lý vi phạm hành chính nếu vi phạm để người dân được nắm rõ.
Kết luận tại buổi làm việc, ông Trần Trọng Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Đồng Nai đề nghị, thời gian tới toàn tỉnh Đồng Nai cần nâng cao hơn công tác phân loại rác thải tại nguồn. Từ ấp đến xã cần có phương án cụ thể, tuyên truyền vận động người dân tham gia phân loại rác thải tại nguồn. Các địa phương trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong việc xử lý rác thải, nhất là ủ rác và IMO để sử dụng trong nông nghiệp.