Trong thời gian qua, giá phân bón, các sản phẩm vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, để kịp thời thích ứng nhằm giảm thiểu tối đa chi phí, bà con nông dân đã có nhiều giải pháp linh động để vượt qua “bão giá” và duy trì hoạt động sản xuất là vấn đề đặt ra đối với các cấp quản lý Nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay nhiều nông dân vẫn còn thói quen là lạm dụng quá mức các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, làm cho đất canh tác ngày càng bạc màu, mất cân đối dinh dưỡng, năng suất cây trồng giảm và tăng chi phí sản xuất, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Việc sử dụng phân hữu cơ thay thế cho các loại phân bón hóa học nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường, cũng như hướng đến một nền “nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ” hiện nay đang được ngành nông nghiệp quan tâm.
Từ tháng 6 đến tháng 10/2023, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Vĩnh Cửu thực hiện thành công 02 mô hình trình diễn “Xử lý rác thải hữu cơ và phế phụ phẩm nông nghiệp bằng chế phẩm men vi sinh làm phân bón hữu cơ” tại xã Hiếu Liêm và xã Tân Bình. Đồng thời đã tổ chức Hội thảo nhân rộng mô hình với gần 150 lượt nông dân tham dự.
Mô hình được thực hiện tại hai xã với 06 hộ tham gia. Những hộ tham gia mô hình được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp hỗ trợ vật tư để thực hiện như nguyên liệu cần có để sản xuất và nhân nuôi men vi sinh IMO, thùng chứa các loại, máy sục khí, chế phẩm ủ phân,… và cử cán bộ kỹ thuật thực hiện mô hình đảm bảo hiệu quả tốt.
QUY TRÌNH XỬ LÝ (Ủ) RÁC THẢI HỮU CƠ VÀ PHẾ PHỤ PHẨM LÀM PHÂN BÓN HỮU CƠ:
Cách 1: Ủ trong các dụng cụ (vật liệu chứa)
Bước 1: Chuẩn bị vật liệu chứa
Có thể ủ ở nhiều dụng cụ khác nhau, tùy điều kiện và quy mô của nông hộ mà chọn dụng cụ cho phù hợp và giảm chi phí: Thùng ủ chuyên dụng, tận dụng các vật dụng như xô, thùng xốp, phi, … hoặc đào hố.
Bước 2: Chuẩn bị chế phẩm men vi sinh
* Có hai phương pháp ủ:
- Phương pháp ủ khô: Dùng men vi sinh là chế phẩm EM, Trichoderma
- Phương pháp ủ nước: Dùng men vi sinh là IMO.
* Tác dụng của chế phẩm men vi sinh trong quá trình ủ rác hữu cơ:
- Phân giải rác hữu cơ thành các chất hữu cơ giúp cây trồng hấp thu dễ dàng.
- Khử mùi hôi thối của rác hữu cơ.
- Ức chế và tiêu diệt các vi sinh vật gây mùi, gây bệnh trong rác thải.
Bước 3: Tiến hành ủ
* Đối với phương pháp ủ khô:
- Nếu thùng nhựa có dung tích lớn: Khoan nhiều lỗ nhỏ cách nhau 10 cm - 15 cm đều nhau; khoan 2 cửa vuông khoảng 2 - 3 tấc vuông để lấy phân; Đặt thùng cách xa nguồn nước sinh hoạt, làm bệ bằng gạch, bệ xi măng, đặt chậu nhựa để thu nước rỉ từ rác.
- Cách làm:
+ Rắc một ít bột men vi sinh xuống đáy thùng
+ Rải một lớp rác hữu cơ (thức ăn dư thừa, vỏ trái cây, rau,…) dày 10 - 20 cm. Tiếp tục rắc một ít bột men vi sinh lên. Cứ như thế cho đến khi đầy thùng.
+ Thời gian ủ 1 đến 2 tháng thì thành phân bón hữu cơ vi sinh và có thể mang ra bón cho cây trồng.
* Đối với phương pháp ủ nước:
Sử dụng một lượng men vi sinh IMO để tráng thùng trước khi cho rác vào. Cho rác vào thùng ủ khoảng 2/3 thùng, sau đó đổ chế phẩm men vi sinh ngậm rác, cần đậy nắp thùng để chống bị nước mưa vào thùng hoặc ánh nắng vào làm men vi sinh sẽ hoạt động kém.
Bổ sung rác, men vi sinh IMO trong quá trình ủ. Sau khi ủ khoảng 3 tuần có thể lấy nước phân ra để sử dụng. Lưu ý: Với rác dùng để ủ phân to quá cần được băm nhỏ để vi sinh vật dễ tiếp xúc hoạt động.
Sản phẩm thu được: Nước phân thu được từ quá trình ủ đem hòa loãng với nước theo tỷ lệ từ 1:50 đến 1:100 (tùy đối tượng) để tưới cho cây trồng.
Cách 2: Ủ trực tiếp bên ngoài (ủ đống)
Bước 1: Chọn địa điểm ủ phân
Địa điểm ủ là nơi thuận tiện cho việc ủ và vận chuyển sử dụng. Chọn chỗ ủ lát gạch hoặc láng xi măng, nền bằng phẳng, cần có mái che để tránh mưa nắng.
Bước 2: Chuẩn bị nguyên liệu
Rác thải hữu cơ, phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất thu gom loại bỏ tạp chất vô cơ; tiến hành băm nhỏ để quá trình ủ được nhanh hoai mục. Nguồn phế thải chăn nuôi tỷ lệ phối trộn khoảng 20%.
Bước 3: Tiến hành ủ phân
- Nguyên liệu ủ được xếp thành từng lớp 30cm, 01 lớp phế thải chăn nuôi 10 – 15 cm, sau mỗi lớp tưới men vi sinh, nấm Trichoderma, chế phẩm EM; cứ tiếp tục như vậy cho đến khi đống ủ có chiều cao 0,9 – 1,2m; sau cùng tưới men vi sinh đều khắp bề mặt đống ủ.
- Kiểm tra độ ẩm đống ủ: Độ ẩm đống ủ cần khoảng 60%, nếu thấy nước ngấm đều trong đống ủ và khi cầm thấy mềm là đạt độ ẩm cần thiết (lấy tay nắm nhẹ phân chuồng, thấy nước rỉ qua các kẽ ngón tay là đạt, nếu nước chảy ra nhiều là quá ẩm, xòe tay ra thấy vỡ là quá khô).
- Đống ủ được che phủ kín bằng bạt nilon đảm bảo nhiệt độ khối ủ đạt từ 55 – 60 độ C trong vòng từ 3 – 5 ngày sau khi ủ. Sau đó nhiệt độ sẽ giảm dần.
Bước 4: Đảo trộn đống ủ
- Sau 10 – 15 ngày kể từ khi ủ tiến hành đảo trộn đống ủ (đống ủ được đảo chất lượng phân ủ tốt hơn và thời gian ủ sẽ nhanh hơn). Trong quá trình đảo trộn bổ sung thêm nước vào nếu đống ủ bị khô.
- Sau khi ủ khoảng 30 – 60 ngày kiểm tra đống ủ thấy không nóng hơn so với nhiệt độ bên ngoài, không có mùi khó chịu, phân ủ dễ mủn, tơi và có màu đen hoặc màu nâu sẫm là phân đã đạt độ hoai mục. Đảo trộn đều đống ủ, đánh đống. Lúc này phân có thể đem sử dụng, bón trả lại cho cây trồng.
Sản phẩm thu được: Sau khoảng hơn 01 tháng ủ 01 tấn phân rác từ các nguyên liệu ban đầu có sẵn (rác thải hữu cơ + phế phụ phẩm trong nông nghiệp) thu được nguồn phân bón hữu cơ còn lại khoảng 600 – 700 kg (giảm 30 – 40 % tùy nguyên liệu). Đây là nguồn phân bón hữu cơ dồi dào bổ sung lại cho cây trồng, góp phần đáng kể cung cấp nguồn phân bón cho cây trồng trong canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Việc triển khai mô hình này mang lại lợi ích cho cả người dân và chính quyền địa phương. Người dân đã có nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng đảm bảo an toàn, còn với địa phương giảm áp lực trong việc thu gom rác thải và giảm chi phí dành cho công tác bảo vệ môi trường.
Từ những hiệu quả bước đầu mà mô hình mang lại, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp mong muốn tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình nhằm góp phần xử lý hiệu quả vấn đề rác thải, xây dựng môi trường nông thôn sạch, đẹp, trong lành./.