Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024)
Huyện Vĩnh Cửu hoàn thành xây dựng Nông thôn mới nâng cao

Năm 2017, huyện Vĩnh Cửu được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Phát huy những thành tựu đạt được và với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm chính trị cao, cả hệ thống chính trị huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để duy trì, giữ vững những kết quả đạt được; đồng thời phấn đấu thực hiện đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.

Huyện đã tập trung, huy động nhiều nguồn lực để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn huyện từ năm 2017 đến nay là 4.551.251.000.000 đồng; trong đó nguồn vốn huy động xã hội hóa, Nhân dân đóng góp là 138.999.000.000 đồng.

Trên lĩnh vực kinh tế:

Để thực hiện đạt mục tiêu huyện nông thôn mới nâng cao, công tác quy hoạch được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Huyện đã lập Quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Cửu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm định hướng không gian tổng thể hạ tầng và kinh tế xã hội của huyện; xây dựng các chương trình kế hoạch, phân bổ và sử dụng hợp lý các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn.

Huyện chú trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để làm chìa khóa cho sự tăng trưởng và phát triển. Hệ thống hạ tầng giao thông liên xã, liên vùng đảm bảo kết nối ngày càng sâu rộng giữa các vùng, khu vực, đáp ứng nhu cầu giao thương đi lại ngày càng cao của người dân; thúc đẩy phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa giữa các địa phương. Nhìn chung, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn huyện cơ bản hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động dân sinh, đạt 70% danh mục các dự án trọng điểm trong hồ sơ quy hoạch vùng huyện Vĩnh Cửu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Huyện tập trung thực hiện, rà soát đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chương trình điện trung thế nông thôn để đầu tư xây dựng các công trình điện trung thế và trạm biến áp phục vụ Nhân dân sản xuất, sinh hoạt. Hiện nay, hệ thống lưới điện, chất lượng điện áp trên địa bàn huyện đảm bảo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, mạng lưới điện ngày càng hoàn thiện và đồng bộ phục vụ tốt nhu cầu của người dân, góp phần to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

15.05.25 NTM.jpg

Trên địa bàn huyện hiện có 01 khu công nghiệp và 05 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 527 ha. Toàn bộ khu và các cụm công nghiệp này đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết và có quyết định thành lập. Trong đó, khu công nghiệp Thạnh Phú và 03 cụm công nghiệp có 75 doanh nghiệp đang hoạt động ổn định, tạo việc làm cho hơn 45.000 lao động tại địa phương và các vùng lân cận. Tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp và các Cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đều thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đã đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, nội bộ cho đơn vị mình. Kết quả xử lý nước thải và xả thải ra môi trường đều đảm bảo đạt quy chuẩn Việt Nam cho phép; chất thải rắn được thu gom, quản lý và bàn giao cho đơn vị có chức năng để xử lý theo đúng quy định; khí thải phát sinh trong quá trình hoạt động được đầu tư hệ thống xử lý đảm bảo không xả thải vượt ngưỡng cho phép ra môi trường.

Trong phát triển nông nghiệp, việc đầu tư cho thủy lợi được coi là đòn bẩy hàng đầu, thúc đẩy phát triển sản xuất, nhằm tăng hệ số sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện trên địa bàn huyện có 26 công trình thủy lợi, trong đó có 16 trạm bơm hoạt động ổn định; được vệ sinh, duy tu, sửa chữa thường xuyên đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.

15.05.25 NTM4.jpg.png

Huyện đã ban hành Quyết định danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2021 – 2025, trong đó xác định nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương gồm: Heo, gà, bưởi, cam, quýt, xoài, lúa, rau các loại. Đến nay, trên địa bàn huyện có 15 ha cây trồng đạt chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ; có 480,41ha cây trồng chủ lực đạt chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 100% diện tích cây trồng tập trung ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, bón phân qua đường ống; có sử dụng phần mềm nhật ký sản xuất điện tử để truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua mã QR; xây dựng được 11 mã vùng trồng nội địa và 03 mã vùng trồng xuất khẩu thị trường Úc, Newzealand và Hoa Kỳ. Toàn huyện có 15 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản đối với các loại cây trồng chủ lực của địa phương thông qua hợp đồng tiêu thụ giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp và 01 chuỗi liên kết theo Nghị quyết 143/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai. Nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn đối với sản phẩm chủ lực, huyện đã xây dựng kế hoạch tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP. Đến cuối năm 2024, trên địa bàn huyện có 25 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 16 sản phẩm được chứng nhận 03 sao, 09 sản phẩm được chứng nhận 4 sao, thực hiện đạt 166,7% kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025.

Huyện tập trung đầu tư sữa chữa các chợ nông thôn trên địa bàn; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư hệ thống bán lẻ, kênh phân phối hàng hóa và vật tư thiết yếu. Đến nay, hệ thống siêu thị, chợ được xây dựng theo quy hoạch. Các Siêu thị điện máy, cửa hàng Thế giới di động, Bách hóa xanh, cửa hàng tự chọn…đã tham gia vào thị trường huyện, đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế trên địa bàn. Việc bố trí không gian trong chợ, hạ tầng, chiếu sáng, an toàn phòng cháy chữa cháy, hệ thống cấp, thoát nước được đảm bảo theo quy định; các cơ sở kinh doanh sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm, thủy sản tươi sống, rau củ quả, thực phẩm khác đều chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm.

Công tác tuyên truyền vận động người dân sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh được quan tâm, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư hệ thống cấp nước sạch tập trung. Đến nay, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch theo quy chuẩn trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao. Hiện tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có công trình cấp nước tập trung. Tính đến hết năm 2024, có 100% số hộ trên địa bàn huyện sử dụng nước hợp vệ sinh; 88,3% số hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; trong đó, số hộ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung trên địa bàn huyện chiếm tỷ lệ 76,9%. Đây là một nỗ lực rất lớn của huyện trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn.

Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia và xây dựng nông thôn mới giai đoạn nâng cao, việc triển khai mô hình ấp thông minh, xã thông minh là xu thế tất yếu, huyện đã thực hiện xây dựng mô hình “xã, ấp thông minh", triển khai sâu rộng về công tác chuyển đổi số, mang lại nhiều tiện ích thiết thực trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm hiệu quả; giúp minh bạch, công khai, phục vụ người dân nhanh chóng, thuận tiện; tăng cường kết nối giữa chính quyền với người dân qua các nền tảng số như cổng thông tin, app, Zalo… nâng cao sự hài lòng và niềm tin vào bộ máy chính quyền.

Văn hóa, giáo dục, y tế, công tác an sinh xã hội được quan tâm triển khai thực hiện:

Thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư xây dựng, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao. Riêng trong năm 2023-2024, huyện đã lắp đặt 604 bộ dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời và 263 dụng cụ trò chơi trẻ em để phục vụ Nhân dân  trên địa bàn huyện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" được triển khai rộng khắp gắn với chương trình xây dựng ấp, khu phố văn hóa; gia đình văn hóa;  cơ quan, đơn vị văn hóa. Hoạt động văn hoá được duy trì với nhiều mô hình phong phú, đa dạng, thiết thực. Các phong trào mang tính truyền thống được phát huy như đua thuyền, múa lân sư rồng; trong đó, giải đua xe đạp về chiến khu D được tổ chức hằng năm và duy trì liên tục suốt 20 mươi năm qua.

15.05.25 NTM1.jpg

Huyện duy trì thường xuyên những lễ hội truyền thống và đặc sắc như lễ hội cúng Đình, lễ hội cúng Bà của đồng bào người Kinh, lễ hội Sayangva - Cúng thần lúa của đồng bào dân tộc Chơ ro ở xã Phú Lý. Hiện trên địa bàn huyện có 81 cơ sở tín ngưỡng. Ngoài ra, còn có nhiều chùa, nhà thờ có trên 300 năm hình thành và phát triển như Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, chùa Hội Phước, nhà thờ Tân Triều,.. thu hút đông đảo khách du lịch hành hương vào các dịp lễ, tết. Bên cạnh đó, huyện còn có 03 di tích lịch sử cấp quốc gia là những điểm đến trong những chuyến du lịch về nguồn của đông đảo các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài huyện như: Chi bộ Bình Phước Tân Triều, Trung ương Cục Miền Nam, Khu ủy miền Đông.

Toàn huyện có 43 cơ sở giáo dục công lập từ bậc mầm non đến trung học phổ thông, trong đó có 42/43 trường đạt chuẩn quốc gia, không có trường hợp học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng lên hàng năm. Ngành giáo dục và đào tạo của huyện đã tích cực thực hiện dạy tốt - học tốt, tham gia tích cực nhiều phong trào của  tỉnh, của địa phương và đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ.

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân tiếp tục được tăng cường và có chuyển biến tích cực. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên; khám chữa bệnh y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại tiếp tục nhân rộng và phát triển. Trên địa bàn huyện hiện có 15 cơ sở y tế công lập và 05 phòng khám đa khoa. Các cơ sở y tế được trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế và có bác sĩ trực khám thường xuyên, đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT. Công tác phát triển bảo hiểm y tế toàn dân được triển khai rộng khắp. Đến nay, tổng số người có thẻ BHYT là 134.622/141.339 người, đạt tỷ lệ 95,25%.

Huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách đảm bảo an sinh, xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân; đã trợ giúp thường xuyên cho trên 4.000 người diện bảo trợ xã hội theo quy định; thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với 2.614 người có công, đến nay huyện không còn gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và huyện cũng không còn hộ nghèo A.

Công tác quốc phòng an ninh được đảm bảo.

15.05.25 NTM2.jpg

Huyện chủ động triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp đảm bảo quốc phòng - an ninh gắn với phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; qua đó góp phần củng cố nền quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả đối với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; phòng, chống các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đem lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể

Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đều đáp ứng chuẩn về trình độ chuyên môn, có năng lực và phẩm chất tốt, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho yêu cầu nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nói riêng và phát triển trên địa bàn huyện nói chung. Cấp ủy Đảng các cấp thể hiện rõ nét vai trò lãnh đạo tại cơ sở, đóng vai trò là hạt nhân chính trị và là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của chương trình; bộ máy chính quyền các cấp được tinh gọn, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức góp phần hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Công tác cải cách hành chính được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Dịch vụ công trực tuyến được quan tâm chú trọng, tạo ra những chuyển biến tích cực trong hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận dịch vụ công. Năm 2023, chỉ số cải cách hành chính của huyện xếp thứ 4; năm 2024, xếp thứ 3 trên địa bàn tỉnh.

Một số mô hình tiêu biểu

Trong quá trình xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, đã xuất hiện một số mô hình tiêu biểu, điển hình được nhân rộng trên địa bàn như: mô hình "Ngôi nhà Trí tuệ", mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp", mô hình “Nhà vệ sinh thân thiện", mô hình “Sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP và sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc BVTV, mô hình “Sử dụng men vi sinh bản địa (IMO)",... Trong đó:

+ Mô hình "Ngôi nhà Trí tuệ" được thực hiện tại 16 thiết chế văn hóa cơ sở, 30 trường học trên địa bàn huyện; tập trung vào việc tạo dựng, duy trì và phát triển những cộng đồng học tập suốt đời hoàn toàn miễn phí, là nơi người học chủ yếu vì mong muốn có kiến thức để áp dụng vào cuộc sống, vì niềm đam mê tri thức, trí tuệ…. Khu thư viện của NNTT được bố trí cả ngàn đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực: pháp luật, kỹ thuật, văn hóa, lịch sử, văn học, kỹ năng sống… phù hợp với nhu cầu đọc của các tầng nhân dân. Nhiều hoạt động đa dạng, phong phú đã được tổ chức tại Ngôi nhà trí tuệ, trong đó phải kể đến các buổi giao lưu trực tiếp với các diễn giả nổi tiếng như Kỷ lục gia trí nhớ Dương Anh Vũ, các lớp học tiếng Anh miễn phí với giáo viên nước ngoài thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và học sinh tham gia. Để thực hiện mô hình này, huyện đã vận động xã hội hóa trên 2 tỷ đồng để trang bị máy tính, ti vi học tiếng Anh trực tuyến, 30 ngàn cuốn sách các loại, thành lập hơn 200 câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm về VHVN-TDTT. Mô hình này không chỉ góp phần tích cực xây dựng và phát triển văn hóa đọc, mà còn là 01 giải pháp hữu hiệu để các thiết chế văn hóa ở cơ sở hoạt động hiệu quả, có sức lôi cuốn, góp phần gắn kết, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân.

+ Mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp" được thực hiện và duy trì từ năm 2017 đến nay thông qua hình thức tổ chức cuộc thi. Đến nay, đã có 87 tuyến đường được công nhận tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp; trong đó có 03 tuyến đường đạt giải nhất, nhì ba tại các Hội thi do tỉnh tổ chức. Các tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp là nền tảng để lan tỏa, tạo tiền đề thuận lợi để Ban vận động ấp, chính quyền địa phương tổ chức triển khai xây dựng 15 khu dân cư kiểu mẫu.Việc thực hiện mô hình này đã góp phần khoác tấm áo mới, đẹp đẽ hơn cho những con đường, góp phần hình thành những miền quê đáng sống làm thay đổi diện mạo nông thôn nâng cao chất lượng đời sống tinh thần người dân.

+ Mô hình “Sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP" của ông Trần Văn Mười (Ấp Cây Xoài, xã Tân An), với quy mô sản xuất 06 ha. Mô hình được đầu tư máy bay không người lái để phun men vi sinh dược liệu gồm chanh, sả, gừng, ớt, lá xuyến chi, lá mật nhân thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giúp tiết kiệm chi phí công lao động, bảo vệ sức khỏe cho nông dân và người tiêu dùng; giúp cho việc khảo sát, đánh giá sức khỏe cây trồng được thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả . Qua việc chủ động ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã giúp nâng cao chất lượng, uy tín cho sản phẩm bưởi, tạo được lòng tin đối với người tiêu thụ.

15.05.25 NTM3.jpg

+ Mô hìnhSử dụng men vi sinh bản địa (IMO): Năm 2018, huyện Vĩnh Cửu là một trong những địa phương đầu tiên trong tỉnh triển khai mô hình sử dụng men vi sinh bản địa (IMO) sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học vào xử lý mùi hôi chất thải với chi phí thấp. Đến nay, huyện có 238,02 ha đất trồng trọt được người dân sử dụng men vi sinh IMO để phân hủy phụ, phế phẩm nông nghiệp, rác hữu cơ để tạo thành nguồn phân hữu cơ cải thiện chất lượng đất canh tác, giảm thiểu đáng kể chi phí đầu vào trong quá trình sản xuất; hơn 30 hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện sử dụng men vi sinh IMO để xử lý chất thải trong chăn nuôi, làm giảm thiểu mùi hôi, cải thiện môi trường tại khu vực chăn nuôi và các hộ lân cận. Hiện 15 khu dân cư kiểu mẫu của huyện đã thực hiện mô hình thùng rác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, kết hợp xử lý chất thải thực phẩm để trồng cây góp phần thể hiện rõ nét hơn kết quả thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, kết hợp xử lý chất thải thực phẩm bằng chế phẩm vi sinh vật bản địa (IMO) để làm mùn hữu cơ, phân bón cho canh tác nông nghiệp trên địa bàn huyện. Đặc biệt hơn nữa, các trường học trên địa bàn huyện đã ứng dụng thành công mô hình sử dụng men vi sinh bản địa (IMO) để xây dựng nhà vệ sinh thân thiện sáng, xanh, sạch, đẹp, thoáng mát, góp phần tích cực xây dựng trường học thân thiện, trường học hạnh phúc. Việc sản xuất và ứng dụng men vi sinh bản địa IMO vào việc khử mùi hôi nhà vệ sinh song hành với việc xây dựng nhà vệ sinh sạch đẹp đã được đông đảo các bậc cha mẹ và các em học sinh đồng tình, ủng hộ. Mô hình này đã giúp các em vượt qua sự sợ hãi, nỗi ảm ảnh nhà vệ sinh công cộng. Đây là một thành quả tuyệt vời mà huyện đã triển khai trong tất cả các trường học từ bậc mầm non đến trung học cơ sở và đạt được kết quả đáng khích lệ.

Qua gần 07 năm triển khai thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình của các Sở ban ngành tỉnh, sự nỗ lực và quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trên địa bàn, huyện Vĩnh Cửu đã đạt được những kết quả tích cực, khích lệ trên nhiều mặt, góp phần có ý nghĩa quan trọng thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh toàn huyện. Nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ngày càng được nâng lên. Đến nay, huyện đã có 09/09 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 08/09 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 02/09 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thị trấn Vĩnh An đạt chuẩn đô thị văn minh. Huyện hoàn thành 09/09 chỉ tiêu huyện nông thôn mới nâng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2024 đạt 91 triệu đồng/người/năm.

Có thể khẳng định rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã mang lại những chuyển biến tích cực, toàn diện, sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo nên sức sống mới, làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện, từ khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu đến khang trang, từng bước hiện đại.

Tự hào với những thành quả đạt được là động lực mạnh mẽ để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các xã trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục phấn đấu, khắc phục những tồn tại, hạn chế; phát huy thế mạnh, tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để làm cho đời sống Nhân dân ngày càng thêm ấm no, hạnh phúc, góp phần tích cực cùng với tỉnh nhà tiếp tục thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN./.


Hương Giang

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH CỬU - ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai
Chịu trách nhiệm: Bà Nguyễn Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu - Cơ quan thường trực: Phòng Văn hóa và Thông tin
Địa chỉ: Khu phố 2, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. 
Điện thoại: (0251).3861114; Fax: (0251).3861114; Email: ubnd-vc@dongnai.gov.vn
® Ghi rõ nguồn " UBND huyện Vĩnh Cửu " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​​