Sáng ngày 09/01, tại hội trường Huyện ủy, BTV Huyện ủy tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Kế hoạch số 110-KH/TU ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết số 15-NQ/HU ngày 21/3/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XI).
Tham dự có các đồng chí Lê Thành Mỹ - TUV, Bí thư Huyện ủy; Lê Đỗ Kim Chi - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; cùng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XI), lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, UB MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị huyện, Bí thư các chi, Đảng bộ cơ sở.
Sau 03 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 110-KH/TU ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và hơn 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/HU ngày 21/3/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Cửu đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu có 08 khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích là 892,57ha đã được cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất huyện Vĩnh Cửu giai đoạn 2021 - 2030; đã hình thành được các vùng cây ăn quả chủ lực tập trung như: Xoài với diện tích gần 2.752 ha, năng suất trung bình 16 tấn/ha, tập trung chủ yếu trên địa bàn 03 xã Mã Đà, Phú Lý, Trị An; năng suất bưởi trung bình khoảng 16-18 tấn/ha, tập trung chủ yếu trên địa bàn các xã Tân Bình, Bình Lợi, Trị An, Phú Lý; Cam, quýt với diện tích gần 511 ha, tập trung chủ yếu trên địa bàn các xã Trị An, Phú Lý, Mã Đà.
Tại hội nghị, một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã báo cáo tham luận nhằm làm rõ hơn những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Kế hoạch số 110-KH/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cũng như đề ra một số thực trạng, giải pháp để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Thành Mỹ - Bí thư Huyện ủy ghi nhận và biểu dương những đóng góp tích cực của các tập thể, cá nhân. Đồng thời, đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức CT-XH cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung như: Thống nhất nhận thức và hành động, xem việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Chú trọng tuyên truyền vận động nông dân chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận tốt các chính sách của nhà nước, nhất là về nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục hỗ trợ nông dân liên kết, hợp tác để hình thành vùng nguyên liệu tập trung, vùng sản xuất quy mô lớn; xây dựng thương hiệu nông sản, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn, nông nghiệp hữu cơ thông qua xây dựng chỉ dẫn địa lý, bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ bản quyền, chứng nhận sản phẩm OCOP...; Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân./.