Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân", trong năm qua, các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương và Nhân dân trên địa bàn huyện đã hưởng ứng, tham gia tích cực phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh Đồng Nai về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 9892/CT-BNN-LN ngày 26/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện vừa có văn bản về tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" nhân dịp xuân Ất Tỵ, tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng năm 2025.
Theo đó, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, trường học, doanh nghiệp tổ chức trồng, chăm sóc cây xanh, thường xuyên duy trì công tác vệ sinh môi trường trong và ngoài đơn vị bảo đảm xanh - sạch - đẹp.
Đồng thời chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Kế hoạch và tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" năm 2025, gắn với các hoạt động trồng, chăm sóc cây xanh, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm tại các khu vực công cộng, cơ quan, trường học, khu dân cư và lưu vực ven sông, kênh, mương; bóc xóa quảng cáo rao vặt, giữ gìn và bảo vệ cảnh quan đô thị, xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp năm 2025 theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng rừng sản xuất và chế biến lâm sản, phát triển du lịch sinh thái; chế biến, xuất khẩu lâm sản đáp ứng theo tiêu yêu cầu, chuẩn quốc tế; thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; đẩy mạnh triển khai dịch vụ hấp thụ, lưu giữ cácbon và phát triển thị trường tín chỉ cácbon rừng…
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc về phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; rà soát, bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy rừng sát với thực tế; bố trí lực lượng, phương tiện, hậu cần sẵn sàng để xử lý tình huống cháy rừng xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ. Gìn giữ, duy trì và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa lịch sử và môi trường trong hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ; nhất là bảo vệ, bảo tồn các loài động thực vật nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng…
Cập nhật theo dõi diễn biến rừng kịp thời, sát thực tế; bố trí nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ điều tra rừng theo kế hoạch. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng hiệu quả, duy trì chế độ thường trực công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định./.