
Ban Tố chức tặng cờ lưu niệm cho các đơn vị tham dự Giải đua
Huyện Vĩnh Cửu, vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, là nơi ghi dấu lịch sử hào hùng của dân tộc. Nằm ở tả ngạn dòng sông Đồng Nai, huyện Vĩnh Cửu còn sở hữu cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như hồ Trị An rộng lớn, rừng Mã Đà xanh ngát - nơi từng là căn cứ địa cách mạng kiên cường. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm dấu ấn, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.
Hưởng ứng Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại," huyện Vĩnh Cửu luôn chú trọng phát triển phong trào thể dục -thể thao quần chúng, trong đó giải đua xe đạp truyền thống "Về Chiến khu" là một sự kiện tiêu biểu. Suốt 20 năm qua, Giải đua không chỉ thúc đẩy phong trào rèn luyện thể thao mà còn góp phần giáo dục truyền thống, khơi gợi niềm tự hào về lịch sử đấu tranh anh dũng của quê hương. Mỗi cung đường đua không chỉ là thử thách tốc độ mà còn là hành trình tri ân, nhắc nhớ về những chiến công vang dội một thời. Giải đua ngày càng phát triển, ghi dấu những bước tiến mạnh mẽ, minh chứng cho sự kết nối bền vững giữa thể thao và truyền thống lịch sử.
Năm 2006, Giải đua xe đạp truyền thống "Về Chiến khu" chính thức khởi động với hai hệ đua (hệ phong trào và hệ Đội tuyển), quy tụ 100 vận động viên của 09 đội trong huyện. Khởi đầu với đường đua dài 18km trên cung đường từ Thư viện huyện đến ngã ba Bà Hào, đây là bước khởi đầu cho một hành trình gắn kết tinh thần thể thao với ý nghĩa về nguồn và đến nay là 20 năm gắn bó với bộ môn.
Qua từng năm, Giải đua không ngừng phát triển, điều chỉnh lộ trình và cơ cấu giải thưởng để đảm bảo an toàn, nâng cao tính chuyên môn và sức hấp dẫn, tạo cơ hội cho cả vận động viên chuyên nghiệp lẫn người yêu thích xe đạp tham gia. Cụ thể như:
Năm 2007, lộ trình thi đấu được mở rộng lên 34 km cho hệ đội tuyển, bao gồm 9 km đường đất đỏ, với đích đến xa nhất tại ngã ba dẫn vào Di tích Trung ương Cục miền Nam. Đến năm 2009, giải đua thu hút 11 đội tham gia, trong đó có 2 đội ngoài huyện mở ra một sân chơi quy mô hơn.
Trong suốt những năm tiếp theo, Giải đua tiếp tục được duy trì với nhiều cải tiến. Năm 2013, Giải mở rộng thêm hệ Lão tướng dành cho các vận động viên từ 56 tuổi trở lên, thể hiện tinh thần thể thao không giới hạn độ tuổi. Đến năm 2014 và 2015, số lượng vận động viên tăng là 148 tay đua, lộ trình thi đấu ổn định ở mức 35km cho hệ phong trào và lão tướng, 45km cho hệ đội tuyển.
BTC và vận động viên trang nghiêm dâng hương tưởng niệm trước giờ Tổng kết Giải đua tại di tích Trung ương Cục miền Nam
Năm 2016 đánh dấu bước ngoặt lớn khi điểm xuất phát được dời về Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng thời mở rộng lộ trình thi đấu lên 42km cho hệ đội tuyển. Năm 2017, số lượng tay đua tham gia tăng cao với 330 VĐV, góp phần nâng cao sức lan tỏa của giải. Đến năm 2018, lần đầu tiên nội dung dành cho nữ được đưa vào thi đấu, cho thấy sự phát triển đa dạng và tính toàn diện của Giải đua, tạo điều kiện cho nhiều vận động viên nữ thể hiện tài năng và niềm đam mê với môn thể thao này. Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong hành trình mở rộng quy mô và nâng cao tính chuyên nghiệp của giải, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn từ cộng đồng yêu thể thao.
Năm 2020, huyện Vĩnh Cửu lần đầu tiên phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai tổ chức Giải đua, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc mở rộng quy mô và lan tỏa Giải đua. Sự kiện này đã thu hút số lượng vận động viên đông nhất từ trước đến nay, với 400 tay đua đến từ 26 câu lạc bộ trong và ngoài huyện tranh tài ở 5 nội dung thi đấu, tăng hơn 130 tay đua so với năm 2019, chủ yếu thuộc hệ đội tuyển.
Năm 2022, sau một năm gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giải đua quy tụ 27 CLB xe đạp từ nhiều tỉnh thành tham gia. Năm 2023, tiếp tục duy trì phong độ với sự tham gia của 450 tay đua đến từ 25 CLB, chia thành 3 nhóm cự ly thi đấu, trong đó hệ đội tuyển thi đấu chặng dài 58km.
Tiếp nối thành công các mùa Giải trước, năm 2024 Giải đua tiếp tục mở rộng khi lần đầu tiên phối hợp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai. Đích đến được dời về Di tích Khu Ủy Miền Đông (Chiến khu Đ) - nâng cao ý nghĩa lịch sử và truyền thống về nguồn. Giải đua có nhiều đổi mới so với các mùa trước, đặc biệt là về lộ trình và cơ cấu giải thưởng. Lần đầu tiên, đường đua được thiết kế với ba điểm xuất phát và thời gian xuất phát khác nhau, phù hợp với từng nhóm vận động viên. Cụ thể, hệ phong trào có cự ly 14 km, hệ lão tướng thi đấu trên đường đua dài 34 km, trong khi hệ đội tuyển tranh tài ở cự ly 55 km. Tất cả vận động viên đều hướng về đích tại Di tích Khu Ủy Miền Đông (Chiến khu Đ), không chỉ thử thách giới hạn bản thân mà còn có cơ hội trải nghiệm cung đường gắn liền với lịch sử và thiên nhiên.
Năm 2025, Giải đua tiếp tục khẳng định sức hút với 7 hệ thi đấu và 79 giải thưởng, đánh dấu chặng đường 20 năm phát triển bền vững. Từ hơn 100 vận động viên ban đầu, đến nay số lượng tay đua đã tăng gần gấp bốn lần, mở rộng ra nhiều tỉnh, thành như Đồng Nai, Đồng Tháp, TP.HCM, Long An, Bình Dương, An Giang; Khánh Hòa, Nha Trang. Sự mở rộng này không chỉ phản ánh sức hấp dẫn ngày càng lớn của Giải mà còn khẳng định vị thế của nó trong phong trào thể thao địa phương; đồng thời thể hiện sự quan tâm, đầu tư của các cấp lãnh đạo và các đơn vị đồng hành để nâng tầm một Giải đua đầy ý nghĩa trở thành một sự kiện thể thao được mong chờ hằng năm của huyện.
Các
tay đua tăng tốc trên cung đường đua
Hai mươi năm hành trình, Giải đua xe đạp "Về Chiến khu" không chỉ đơn thuần là một sự kiện thể thao mà còn trở thành biểu tượng của sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa tinh thần rèn luyện thể chất và lòng tri ân lịch sử. Thành công này có được nhờ sự quan tâm, định hướng của các cấp lãnh đạo tỉnh, huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ trong thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong huyện.
Đặc biệt, việc duy trì và phát triển Giải đua suốt hai thập kỷ qua chủ yếu nhờ nguồn kinh phí xã hội hóa, trong đó toàn bộ giải thưởng đều do các đơn vị tài trợ đóng góp. Từ năm 2012, Tập đoàn Donacoop đã trở thành đơn vị tài trợ chính, đồng hành cùng giải qua nhiều mùa thi đấu. Bên cạnh đó, sự góp sức của nhiều mạnh thường quan đã giúp giải đua không ngừng được nâng cao về chất lượng và mở rộng về quy mô; đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm chung của cộng đồng trong việc phát triển phong trào thể thao địa phương.
Một nét đặc trưng xuyên suốt chặng đường 20 năm là nghi thức dâng hương trước giờ xuất phát và tổng kết trao giải, được duy trì hàng năm. Nghi thức dâng hương tại các di tích lịch sử không chỉ thể hiện sự tri ân đối với thế hệ đi trước mà còn truyền tải giá trị tinh thần sâu sắc, giúp các tay đua cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của hành trình "Về Chiến khu". Chương trình tổng kết không chỉ vinh danh những vận động viên xuất sắc mà còn là dịp nhìn lại hành trình phát triển của Giải đua, ghi nhận sự đóng góp của các đơn vị, cá nhân đã đồng hành cùng Giải đua qua từng năm.
Bên cạnh đó, hành trình 20 năm qua đã chứng kiến nhiều thay đổi về lộ trình, cự ly và quy mô tổ chức, nhưng tinh thần của Giải đua xe đạp "Về Chiến khu" vẫn không đổi. Đó là tinh thần thể thao gắn kết với lòng tri ân lịch sử, là sự kiên trì bền bỉ trên từng cung đường đua; sự đoàn kết của những người yêu mến bộ môn xe đạp và lan tỏa niềm đam mê và khơi dậy tinh thần rèn luyện thể chất trong cộng đồng.
Giải đua xe đạp "Về Chiến khu" là minh chứng sinh động cho hiệu quả của Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Mỗi vòng quay bánh xe không chỉ là cuộc tranh tài về tốc độ, mà còn là hành trình nối dài giá trị truyền thống, hun đúc ý chí bền bỉ, khát vọng vươn lên và tinh thần đồng đội. Giải đua không chỉ là một sự kiện thể thao, mà đã trở thành một phong trào mang tính truyển thống của huyện Vĩnh Cửu.
Dù chặng đường phía trước có thể còn nhiều đổi thay, nhưng những giá trị cốt lõi mà Giải đua xe đạp "Về Chiến khu" mang lại sẽ luôn được trân trọng, gìn giữ và lan tỏa. Không chỉ là một sân chơi thể thao, Giải đua đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ, thúc đẩy tinh thần rèn luyện thể thao và hun đúc ý chí kiên cường, noi gương Bác Hồ vĩ đại; đồng thời kết nối quá khứ với hiện tại, gắn kết Chiến khu Đ - vùng đất của lòng yêu nước và những chiến công oanh liệt - với thế hệ hôm nay. Mỗi vòng quay bánh xe không chỉ là nhịp đập của thể thao mà còn là sự tiếp nối truyền thống, hun đúc tinh thần dân tộc, để từ đó, Giải đua không chỉ chinh phục những cung đường mà còn mở ra những hành trình lớn hơn - hành trình của khát vọng, của sự gắn kết và vươn tới những giá trị bền vững./.