50 năm sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), huyện Vĩnh Cửu đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ một vùng đất chịu nhiều đau thương mất mát do chiến tranh, đã vươn lên trở thành một địa phương ngày càng đổi mới và phát triển.
Huyện Vĩnh Cửu được thành lập vào năm 1948 sau khi được Ủy Ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ quyết định tách quận Tân Châu tỉnh Biên Hòa thành hai đơn vị là thị xã Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu; huyện có 21 xã (Hiệp Hòa, Tam Hiệp, Bửu Hòa, Tân Vạn, Hóa An, Tân Hạnh, Bình Trị, Tân Hiệp, Tân Phong, Bửu Long, Tân Thành, Bình Hòa, Bình Ý, Bình Thạnh, Tân Triều, Bình Phước, Lợi Hòa, Bình Long, Thiện Tân, Đại An, Tân Định).
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, huyện Vĩnh Cửu là vùng trọng yếu của các lực lượng kháng chiến. Từ những hạt giống đỏ của chi bộ Bình Phước Tân Triều được thành lập vào tháng 02/1930, Vĩnh Cửu trở thành địa bàn của Chiến khu Đ huyền thoại, căn cứ chỉ huy của Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn 1961 – 1962) và Khu ủy miền Đông - là địa chỉ khởi đầu của nhiều cơ quan lãnh đạo cách mạng Đông Nam Bộ.
Dưới ánh sáng của Đảng, nhiều phong trào cách mạng ở Vĩnh Cửu đã dấy nên sôi nổi như: phong trào tăng gia sản xuất, diệt giặc dốt, diệt ác phá đồn, bảo vệ căn cứ Chiến khu D, quân dân Vĩnh Cửu đã không tiếc máu xương nhất tề giết giặc; bẻ gãy nhiều cuộc càn quét và các trận đột kích bằng biệt kích của địch.
Trong đại thắng mùa xuân năm 1975, 06 giờ sáng ngày 30/4/1975, quân và dân Vĩnh Cửu đã làm chủ chi khu Công Khanh, nhiều xã vùng sâu nhân thời cơ địch hốt hoảng rút chạy, đảng viên cơ sở mật tay đeo băng đỏ tiến chiếm đồn bót trụ sở tề ngụy, kêu gọi mặt trận phá tàn kích ngụy. Bộ đội huyện tiếp tục truy kích địch lẩn trốn ở Bình Thạnh, Tân Phú, bắt sống 29 tên lích thủy đánh bộ. Tại các xã Thiện Tân, Bình Long, Lợi Hòa, Bình Phước, Tân Triều, Bình Hòa, Tân Định du kích và Nhân dân lùng bắt 100 tên địch, tịch thu nhiều súng, sau đó dùng cuốc, xẻng phá công trận cầu vồng địch. Tại Lợi Hòa, Nhân dân bao vây bắt sống tên phân chi khu trưởng ngụy, niêm phong trụ sở, kho hàng và đưa cách mạng vào tiếp quản. 09 giờ sáng ngày 30/4/1975 lịch sử, huyện Vĩnh Cửu sang trang, huyện nhà hoàn toàn được giải phóng.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cùng chung niềm vui với cả nước, huyện Vĩnh Cửu bắt tay vào công cuộc xây dựng lại quê hương sau những năm tháng chiến tranh. Với tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường và dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Vĩnh Cửu đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, từng bước đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển. Vĩnh Cửu đã từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các khu công nghiệp, thu hút đầu tư, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân.

Nhà máy Thủy điện Trị An tọa lạc tại xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu được thành lập vào ngày 02/12/1987 đi vào hoạt động mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của 16 tỉnh, thành phía Nam. Dự án mở rộng Thủy điện Trị An (theo Quyết định số 1354/QĐ-UBND ngày 4/5/2020 của UBND tỉnh Đồng Nai quyết định chủ trương đầu tư Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng) khi hoàn thành sẽ tăng công suất dự trữ của hệ thống điện, góp phần đảm bảo ổn định điện áp cho lưới điện 500kV và tăng khả năng tham gia điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia, cắt giảm lũ cho hạ du.

Hiện nay, hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng và nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và đời sống; công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của huyện được quan tâm chỉ đạo. Huyện Vĩnh Cửu hiện có 01 khu công nghiệp, 06 cụm công nghiệp với 1.180 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, vốn đăng ký là 2.290 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 65.000 lao động trong và ngoài huyện. Thương mại dịch vụ, dịch vụ, du lịch, vận tải từng bước phát triển.

Toàn huyện có 15.450,7 ha đất sản xuất nông nghiệp; 72.062,8 ha đất lâm nghiệp; đất nuôi trồng thủy sản là 1.223,6 ha. Diện tích cây trồng chủ lực của huyện đạt chứng nhận VietGAP đạt trên 460 ha, 15ha cây trồng đạt chứng nhận hữu cơ Việt Nam; có 25 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (09 sản phẩm OCOP 4 sao và 16 sản phẩm 03 sao). Công tác ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp được tập trung triển khai, huyện đã xây dựng được 04 mã vùng trồng xuất khẩu đi thị trường Úc, Newzealand, Hoa Kỳ và Trung Quốc; 09 mã vùng trồng nội địa trên cây bưởi, xoài, rau.
Văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế được quan tâm phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Các thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư và tổ chức hoạt động khá hiệu quả. Là địa phương có sự giao thoa văn hóa khá độc đáo giữa người Kinh, người Hoa với các cộng đồng dân tộc ít người như Chơ ro, Chăm, Khmer, Tày, Nùng,… huyện Vĩnh Cửu có những lễ hội truyền thống và đặc sắc như lễ hội cúng Đình, lễ hội cúng Bà của đồng bào người Kinh, lễ hội Sayangva - Cúng thần lúa của đồng bào dân tộc Chơ ro ở xã Phú Lý. Hiện trên địa bàn huyện có 81 cơ sở tín ngưỡng, gồm 01 Đền, 45 Miếu, 35 Đình; trong đó các đình như Đình Long Chiến, Đình Phú Trạch, Đình Cẩm Vinh đã được xếp hạng di tịch lịch sử cấp tỉnh. Ngoài ra, còn có nhiều chùa, nhà thờ có trên 300 năm hình thành và phát triển như Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, chùa Hội Phước, nhà thờ Tân Triều,.. thu hút đông đảo khách du lịch hành hương vào các dịp lễ, tết. Bên cạnh đó, huyện còn có 03 di tích lịch sử cấp quốc gia, đặc biệt là Di tích Trung ương cục miền Nam giai đoạn 1961-1962; Di tích Khu ủy Miền Đông Nam bộ giai đoạn 1962-1967 là những điểm đến trong những chuyến du lịch về nguồn của đông đảo các tầng lớp Nhân dân.

Huyện Vĩnh Cửu có gần 80% diện tích là rừng và hồ, trong đó phải kể đến hồ Trị An với diện tích mặt nước khoảng 32.400 ha; Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai thuộc địa bàn huyện Vĩnh Cửu đang quản lý khoảng 67.630 ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng đặc dụng là 63.200 ha. Trên hồ Trị An có 76 đảo lớn nhỏ, có 46 đảo thuộc địa phận huyện Vĩnh Cửu; nhiều đảo có diện tích lớn từ 02-04 ha phù hợp phát triển sản phẩm du lịch như: Đảo Đồi Xanh, Đảo Ông Lý 2, Đảo Ông Dần, Đảo Ba Quy, Đảo Năm Bầu, Đảo Đồng Bơ, Đảo Củ Chi,… Lớn nhất là đảo Ó - đảo Đồng Trường với diện tích khoảng 23 ha, như hòn ngọc xanh giữa mênh mông hồ xanh làm say lòng du khách. Hệ sinh thái tại Khu Bảo tồn mang tính đa dạng sinh học cao, phong phú cả về chủng loài lẫn số lượng với 1.552 loài thực vật; 1.819 loài động vật. Đây là những lợi thế tiềm năng và điều kiện thuận lợi để huyện Vĩnh Cửu phát triển các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch về nguồn,…. Hiện nay, huyện đã đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh quy hoạch hồ Trị An để phát triển du lịch sinh thái ven hồ và trên hồ Trị An nhằm kêu gọi đầu tư phát triển du lịch và để hồ Trị An trở thành Khu du lịch quốc gia.
Toàn huyện có 43 cơ sở giáo dục công lập từ bậc Mầm non đến Trung học phổ thông, trong đó có 42 trường đạt chuẩn quốc gia, không có trường hợp học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng lên hàng năm. Có 30 trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn huyện đã tổ chức ra mắt và đưa vào hoạt động có hiệu quả mô hình “Ngôi nhà trí tuệ" trong trường học, góp phần tích cực vào việc phát triển và nâng cao văn hóa đọc trong học sinh toàn huyện. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân tiếp tục được tăng cường và có chuyển biến tích cực. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên; khám chữa bệnh y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại tiếp tục nhân rộng và phát triển. Huyện đã triển khai hệ thống KIOSK y tế thông minh, đánh dấu bước tiến quan trọng trong ứng dụng công nghệ số vào công tác khám chữa bệnh, mang lại nhiều tiện ích thiết thực cho người dân. Các chương trình, chính sách đảm bảo an sinh, xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân được triển khai thực hiện đồng bộ, đã trợ giúp thường xuyên cho trên 4.000 người diện bảo trợ xã hội theo quy định; thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với 2.614 người có công, huyện không còn gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo A.
Từ sau ngày 30/4/1975 đến nay, Đảng bộ huyện Vĩnh Cửu đã trải qua 11 nhiệm kỳ Đại hội, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức luôn được đặc biệt coi trọng và triển khai sâu rộng. Đảng bộ huyện Vĩnh Cửu đã xây dựng được hệ thống tổ chức rộng khắp trên các lĩnh vực với 53 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, trong đó có 10 đảng bộ xã, thị trấn; 05 chi, đảng bộ trong doanh nghiệp. Toàn Đảng bộ huyện có 161 chi bộ trực thuộc và 4.900 đảng viên (tăng 37 TCCSĐ và 4.780 đảng viên so với năm 1975), cho thấy sự quan tâm của Đảng bộ huyện Vĩnh Cửu đến công tác phát triển đảng viên, củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, đảm bảo tính kế thừa và sức chiến đấu của Đảng trong tình hình mới.
Tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước được sắp xếp theo hướng tinh gọn, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với mục tiêu tăng cường hiệu lực và hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Năm 2023, chỉ số cải cách hành chính của huyện đứng thứ 4 trên địa bàn tỉnh; năm 2024, huyện vươn lên vị trí thứ 3 trong các đơn vị cấp huyện về xếp hạng CCHC. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục đổi mới về nội dung và phương thức, tập trung hướng về cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động ngay tại địa bàn dân cư. Các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình hành động cách mạnh được triển khai sâu rộng, đặc biệt là phong trào thi đua “Dân vận khéo" gắn với mô hình “Buổi sáng với Nhân dân", “Chính quyền thân thiện" góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, Nhân dân đồng thuận tích cực tham gia xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Những thành tựu to lớn mà huyện Vĩnh Cửu đạt được sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đã tạo tiền đề vững chắc và góp phần tích cực vào kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện có 09/09 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 08/09 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 02/09 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thị trấn Vĩnh An đạt chuẩn đô thị văn minh và huyện cũng đã hoàn thành các chỉ tiêu huyện nông thôn mới nâng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ nét; thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2024 đạt 89 triệu đồng/người/năm.
Nhìn lại chặng đường 50 năm từ ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, với những thành quả đạt sẽ được là động lực mạnh mẽ để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Vĩnh Cửu tiếp tục phấn đấu, phát huy thế mạnh, tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển toàn diện và bền vững; tự tin cùng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho vùng đất giàu truyền thống cách mạng và người dân nơi đây, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Đồng Nai và cả nước./.