Theo thống kê từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận 14 ca bệnh Dại trên chó tại 08 xã thuộc 04 huyện, gồm: Cẩm Mỹ (01 ca/01 xã), Định Quán (03 ca/02 xã), Long Thành (09 ca/04 xã), Trảng Bom (01 ca/01 xã); tổng số chó bệnh đã bị tiêu hủy là 16 con. Hiện Đồng Nai đứng đầu cả nước về số ổ dịch bệnh Dại trên động vật.
Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy phần lớn các trường hợp phát sinh bệnh Dại đều liên quan đến việc nuôi chó theo hình thức thả rông, không rọ mõm hoặc không được xích giữ đúng quy định, dẫn đến việc chó dễ tiếp xúc với nguồn bệnh và lây lan trong cộng đồng; chó thả rông làm mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và đặc biệt là làm gia tăng hiện tượng chó cắn người vô cớ. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), số liệu người đến tiêm vắc xin phòng bệnh Dại tại các điểm tiêm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tăng mạnh qua từng năm, năm 2022: 18.262 lượt người, năm 2023: 27.149 lượt người, tăng đột biến 48,7% so với năm 2022; năm 2024: 33.377 lượt người, tăng 22,9% so với năm 2023.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Dại, để khẩn trương kiểm soát các ổ dịch bệnh Dại trên động vật đang xảy ra, phòng ngừa các ổ dịch mới phát sinh và lây lan, ngăn ngừa bệnh truyền lây từ động vật sang người; thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 2888/UBND-KTN ngày 24/3/2025 và chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tại Văn bản số 3666/SNNMT-CNTS, ngày 20/5/2025, UBND huyện đã có Văn bản số 2665/UBND-KT chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các xã, thị trấn Vĩnh An tập trung thực hiện có các nội dung:
Tăng cường công tác quản lý chó, mèo, thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng chó thả rông trên từng địa bàn; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh; tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo bảo đảm tỷ lệ đạt trên 70% tổng đàn trong năm 2025 và các năm tiếp theo, xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo nuôi.

Tăng cường công tác truyền thông về mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh Dại, cũng như các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống bệnh Dại động vật trong cộng đồng dân cư, trường học, người chăn nuôi, giết mổ chó, mèo và các tổ chức, cá nhân có liên quan bằng các hình thức phù hợp.
Đối với UBND các xã, thị trấn Vĩnh An thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thủy sản; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi theo quy định; Quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận theo quy định./.