Với tiêu chí hướng tới nền nông nghiệp xanh và phát triển bền vững, sáng ngày 20/12, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã phối hợp với UBND xã Bình Lợi tổ chức hội thảo đánh giá mô hình “Thâm canh cây lúa theo hướng hữu cơ".
Với mục tiêu nhân rộng các mô hình sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm, có giá trị kinh tế cao và bền vững, vụ Chiêm Xuân 2023 - 2024, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã phối hợp với UBND xã Bình Lợi triển khai mô hình “Thâm canh cây lúa theo hướng hữu cơ" với quy mô 01 ha tại hộ ông Nguyễn Minh Tấn tại cánh đồng lúa ấp 5, xã Bình Lợi.
Quá trình sản xuất cho thấy, mô hình thâm canh cây lúa theo hướng hữu cơ đã áp dụng tốt một số bước trong canh tác theo hướng hữu cơ như: Tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh để cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa, hạn chế tối đa sử dụng phân hóa học để phòng trừ sâu bệnh hại, không sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng. Từ đó ít gây độc hại đối với nông dân và môi trường; đồng thời tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn cho người sử dụng, phù hợp với định hướng phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay.
Ông Nguyễn Minh Tấn - Nông dân trồng lúa ấp 5, xã Bình Lợi chia sẻ: "Sau khi làm mô hình, mình thấy mô hình này tốt, làm nó đạt, đỡ công hơn phương pháp cũ, cây lúa cứng cáp, chất hơn, đỡ công chi phí, đỡ thuốc BVTV, qua mô hình này tới vụ sau gia đình sẽ tiếp tục canh tác theo phương pháp này".
Kết quả thu được từ mô hình, mỗi vụ người nông dân thu lãi 14.808.000 đồng/ha tăng 2.016.000 đồng./ha so với canh tác theo phương pháp thông thường. Trong quá trình triển khai mô hình, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã trực tiếp hướng dẫn quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo mạ, chăm sóc đến khi thu hoạch. Đến nay, mô hình đã thành công, được các hộ nông dân trên địa bàn xã đồng tình hưởng ứng.
Ông Trần Viết Huy - Giám đốc TTDVNN cho biết: "Năm 2024 chúng tôi thực hiện 2 mô hình lúa theo hướng hữu cơ tại xã Tân An và Bình Lợi, các mô hình theo hữu cơ hiệu quả theo tính kinh tế cũng như hiệu quả trồng trọt . Trong năm 2025, chúng tôi sẽ triển khai nhân rộng mô hình “Sản xuất lúa không dấu chân" tại xã Bình Hòa với quy mô 5ha, chúng tôi cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu bằng sinh học. Theo định hướng của ngành sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp trong tương lai".
Để đưa mô hình thâm canh cây lúa theo hướng hữu cơ vào sản xuất đại trà thì trong thời gian tới TTDVNN huyện sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện, UBND các xã mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và xây dựng các mô hình trình diễn chuẩn; đồng thời kết hợp với chính quyền, đoàn thể tại địa phương tăng cường tuyên truyền vận động người nông dân tham gia sản xuất thông qua các hoạt động tại địa phương như các cuộc họp tại xã, ấp; qua phương tiện thông tin đại chúng như bảng tin, đài truyền thanh của xã, ấp; phấn đấu đưa sản xuất nông nghiệp theo hữu cơ không chỉ trên cây lúa mà ở trên tất cả nông sản trên địa bàn huyện (cam, quýt, xoài, bưởi) vươn tới một nền nông nghiệp xanh sạch, bền vững chất lượng cao…/.