Sáng ngày 25/9/2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chủ trì buổi làm việc với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu An Lộc Phát về tham gia liên kết tiêu thụ bưởi trên địa bàn huyện.

Tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo các xã: Trị An, Hiếu Liêm, Mã Đà, Phú Lý và Tân Bình; Giám đốc các Hợp tác xã: Tâm Minh Quang, nông nghiệp và Dịch vụ Tân triều, Dịch vụ - Nông nghiệp Bình Lợi, Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Bình Minh.

Tại buổi làm việc, đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu An Lộc Phát đã giới thiệu sơ bộ về hoạt động của Công ty; các nguyên tắc chung khi tham gia ký kết hợp đồng. Theo đó, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu An Lộc Phát cam kết sẽ thu mua sản phẩm bưởi của các tổ hợp tác nông nghiệp, các hộ nông dân; cam kết hỗ trợ về việc thực hiện và duy trì mã số vùng trồng xuất khẩu Bưởi chính ngạch sang thị trường Mỹ, EU, NewZealand, Trung Quốc, bổ sung các thị trường khác theo nhu cầu xuất khẩu. Đối với các tổ hợp tác nông nghiệp, các hộ nông dân trồng bưởi đồng ý cho công ty TNHH Xuất nhập khẩu An Lộc Phát đứng tên và sử dụng mã vùng trồng trên diện tích đất trồng bưởi để xuất khẩu; cam kết tuân thủ theo các quy định về vùng trồng xuất khẩu như canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng trong danh mục cho phép sử dụng tại Việt Nam trên cây Bưởi, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch, ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác sổ theo dõi vùng trồng theo quy định.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các xã và các Hợp tác xã cơ bản thống nhất với ý kiến của đại điện công ty TNHH Xuất nhập khẩu An Lộc Phát và bày tỏ mong muốn công ty sẽ có buổi làm việc trực tiếp với từng xã để hiểu rõ hơn về đặc điểm, tình hình trồng trọt, quá trình chuyển đổi phương thức canh tác phù hợp với xu hướng sản xuất nông nghiệp sạch hiện nay,…

Huyện Vĩnh Cửu hiện có hơn 13 ngàn ha trồng bưởi, trong đó chủ yếu là bưởi da xanh. Bình Lợi và Tân Bình là 02 xã có diện tích chuyên trồng bưởi nhiều nhất trên địa bàn huyện, thời gian qua đã tập trung chuyển sang hướng trồng hữu cơ nông nghiệp sạch mang tính đồng bộ. Việc trao đổi mua bán sản phẩm hiện nay còn mang tính chất manh mún, tự phát do đó, rất cần có sự hỗ trợ để có thể tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm mang lại sự ổn định về giá, nơi tiêu thụ cho người dân.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Văn Nam - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến của các bên liên quan, báo cáo UBND huyện; đồng thời, đề nghị các địa phương rà soát, tuyên truyền vận động người dân thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong thời gian tới, Phòng sẽ bố trí lịch cùng với đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu An Lộc Phát làm việc với từng địa phương để nắm tình hình, thực hiện công khai minh bạch những quy trình thực hiện chuỗi liên kết đến người dân được biết./.