Hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số, nền tảng số có tính chất hạ tầng. Hạ tầng số được phát triển nhanh, phát triển trước để phục vụ phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của huyện. Đây là nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số.
Để hạ tầng số trên địa bàn huyện ngày càng bền vững, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, ngày 20/10, UBND huyện Vĩnh Cửu đã ban hành kế hoạch số 1742/KH-UBND về việc “Phát triển hạ tầng số trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu giai đoạn 2023 - 2025". Theo đó, hạ tầng số được lập kế hoạch, triển khai song song, đồng bộ với hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng chiếu sáng, hạ tầng công trình ngầm, các hạ tầng kỹ thuật khác. Các doanh nghiệp phối hợp phát triển hạ tầng số theo nguyên tắc dùng chung, chia sẻ.
UBND huyện xác định 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện.
Đầu tiên là phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập, bền vững, an toàn; trong đó cần xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng cố định tốc độ cao, tăng cường phát triển thuê bao băng rộng cố định tới hộ gia đình. Đồng thời, đảm bảo cung cấp dịch vụ truy cập internet băng thông rộng tốc độ cao được phổ cập tới các cơ quan, tổ chức, bệnh viện, trường học. Ưu tiên phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng chất lượng cao trong các cơ quan Nhà nước, trường học, bệnh viện, địa điểm du lịch trên địa bàn huyện, khu công nghiệp…; đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng di động chất lượng cao (4G/5G/...) trên phạm vi toàn huyện...
Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây thông qua việc tuyên truyền, phổ biến các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân ưu tiên dùng dịch vụ điện toán đám mây do các doanh nghiệp trong nước cung cấp. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, phát triển các trung tâm dữ liệu trên địa bàn huyện. Tích hợp, sử dụng hạ tầng điện toán đám mây vào các hệ thống thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Đối với hạ tầng công nghệ số: hỗ trợ phát triển hạ tầng công nghệ số, ưu tiên công nghệ AI, Blockchain, IoT, ứng dụng cảm biến, mạng đáng tin cậy, phần mềm và phần cứng cũng như các công nghệ khác phục vụ thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu.
Để phát triển nền tảng số có tính chất hạ tầng cần tuyên truyền, phổ biến sử dụng các nền tảng số dùng chung của tỉnh bảo đảm phù hợp, tương thích và có khả năng triển khai trên hạ tầng điện toán đám mây. Hỗ trợ phát triển hệ thống giao dịch điện tử, sử dụng công nghệ số để tạo môi trường mạng cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tương tác, giao dịch, cung cấp dịch vụ, sản phẩm, hàng hóa, có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì.Khuyến khích sử dụng các nền tảng số có tính chất hạ tầng do cơ quan nhà nước chủ quản, doanh nghiệp Việt Nam phát triển, làm chủ công nghệ, sử dụng thống nhất trên toàn quốc, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công phục vụ xã hội.
Ngoài ra, để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, UBND huyện khuyến khích thuê dịch vụ công nghệ thông tin giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng đảm bảo đủ năng lực giám sát, điều hành, phát hiện, cảnh báo sớm và xử lý các vấn đề mất an toàn, an ninh thông tin. Tiếp tục duy trì, bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp. Tăng cường thực hiện công tác phân loại, phê duyệt hệ thống thông tin theo cấp độ. 100% máy chủ, máy trạm các cơ quan nhà nước được triển khai cài đặt phần mềm diệt virus có bản quyền. 100% các trang, cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước được đánh giá an toàn thông tin và dán nhãn tín nhiệm mạng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn, tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn thông tin trên mạng viễn thông và Internet./.