Thời gian qua, đã xảy ra tình trạng các doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động. Nhiều doanh nghiệp tuy đã bị xử phạt hành chính, bị khởi kiện nhưng vẫn cố tình dây dưa nợ đọng kéo dài.
Khi các danh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT khiến cho người lao động không được chi trả lương đúng thời hạn, cắt giảm các chế độ phúc lợi, ốm đau đi bệnh viện không được hưởng chế độ bảo hiểm...
Theo đó, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH tại các danh nghiệp, Luật BHXH, BHYT, BHTN đã ban hành các quy định về vấn đề này cụ thể như sau.
Từ 01/07/2025, xử lý hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm y tế như sau: Căn cứ Điều 49 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 34 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024 quy định xử lý hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm y tế cụ thể như sau:
- Biện pháp xử lý hành vi chậm đóng bảo hiểm y tế bao gồm:
+ Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm y tế chậm đóng và số ngày chậm đóng vào quỹ bảo hiểm y tế; b) Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
+ Không xem xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Lưu ý: Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế cho người lao động phải hoàn trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chỉ trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế do chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế.
Doanh nghiệp có hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm y tế cho người lao động bị phạt cụ thể:
Căn cứ quy định khoản 2 Điều 80 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm quy định về đóng bảo hiểm y tế như sau:
Điều 80. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm y tế
- Phạt tiền đối với hành vi không đóng bảo hiểm y tế cho toàn bộ số người lao động bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động, đóng bảo hiểm y tế không đủ số người bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động, chậm đóng bảo hiểm y tế, trốn đóng bảo hiểm y tế theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, khi vi phạm dưới 10 người lao động;
b) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, khi vi phạm từ 10 đến dưới 50 người lao động;
c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, khi vi phạm từ 50 đến dưới 100 người lao động;
d) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, khi vi phạm từ 100 đến dưới 500 người lao động;
đ) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, khi vi phạm từ 500 đến dưới 1.000 người lao động;
e) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, khi vi phạm từ 1.000 người lao động trở lên.
Theo đó, hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm y tế cho người lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng tuỳ thuộc vào số lượng người lao động.
Lưu ý: Mức phạt tiền được quy định nêu trên là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP)
Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc phải hoàn trả số tiền mà đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bị thiệt hại và buộc nộp số lợi bất hợp pháp có được vào tài khoản thu của quỹ bảo hiểm y tế. /.