Thời gian qua, trên khắp cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy, phần lớn do không đảm bảo an toàn PCCC, gây hậu quả nặng nề về người và tài sản. Mỗi một vụ hỏa hoạn xảy ra, không chỉ là hồi chuông cảnh báo về công tác phòng cháy, mà qua đó cho thấy, sự cần thiết trong việc trang bị các kiến thức, kỹ năng thoát nạn tự cứu mình.
Thông thường, các nạn nhân sẽ chết vì ngạt khói độc, trước khi chết cháy. Thế nên, ngoài các bình cứu hoả dự trữ, người dân phải chuẩn bị sẵn mặt nạ chống độc, các trang bị hỗ trợ thoát hiểm như: dây thừng, thang dây, dây thoát hiểm, búa để phòng ngừa những trường hợp không may xảy ra…
Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, nguy cơ xảy ra cháy tại nhà trọ, nhà cho thuê thường bắt nguồn từ nguyên nhân cháy do điện. Cụ thể như quá tải khi cắm nhiều thiết bị sử dụng điện trên cùng ổ cắm; sạc thiết bị điện (xe máy, xe đạp điện qua đêm); do câu móc, đấu nối đường dây điện; do chập điện...; do đun nấu (sử dụng bếp điện hoặc bếp gas); do thắp hương, đốt vàng mã; do tồn chứa nhiều hàng hóa, chất lỏng dễ cháy để trong nhà; do cố ý đốt hoặc vô ý đốt…
Để đảm bảo an toàn PCCC, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã đưa ra khuyến cáo về 4 bước thực hiện khi xảy ra cháy:
Bước 1: Khi phát hiện ra đám cháy phải lập tức ngắt cầu dao của khu vực đang xảy ra cháy hoặc ngắt điện của toàn bộ ngôi nhà.
Bước 2: Nhanh chóng sử dụng bình chữa cháy (bình chữa cháy khí, bột … ) để dập lửa, hoặc sử dụng chăn, quần áo, rèm cửa… nhúng nước che phủ bao trùm toàn bộ diện tích thiết bị điện đang cháy (tuyệt đối không được sử dụng nước để dập cháy khi chưa cắt điện).
Bước 3: Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC và CNCH theo số 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, Công an xã, phường gần nhất.
Bước 4: Trường hợp cháy bị mắc kẹt tại các tầng trên cao thì phải nhanh chóng dùng khăn ướt bịt mũi, miệng di chuyển ra ngoài ban công hoặc trổ mái sang nhà hàng xóm để tiến hành thoát nạn và chờ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH kịp thời giải cứu.
Quy định về Việc xử phạt hành chính đối với hành vi để xảy ra cháy nổ
Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Tại Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về các mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trong việc để xảy ra cháy, nổ như sau:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Vi phạm quy định an toàn phòng cháy chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng;
+ Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;
+ Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.
* Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm sau:
+ Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;
+ Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.
*Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
''Mỗi người dân hãy là một chiến sỹ trên mặt trận phòng chống giặc lửa'' người dân cần nâng cao ý thức, kỹ năng để xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố tai nạn ngay từ khi mới phát sinh, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản. Phòng cháy tốt, chữa cháy giỏi là bảo vệ chính mình và an toàn xã hội.