Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm chăm lo đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức cho cán bộ đảng viên, bởi theo người “Tư tưởng không đúng thì ắt sai lầm" và Người cho rằng “Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất". Vì vậy, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên có vai trò to lớn, góp phần trọng vào việc giác ngộ cách mạng, nâng cao nhận thức chính trị, thống nhất ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh và thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Bồi dưỡng chuyên đề “Đảng ta thật là Vĩ đại"
Xác định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng nên trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn quan tâm chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức trong cán bộ đảng viên theo hướng luôn bám sát thực tiễn, sát đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, có sức thuyết phục và giữ vững định hướng chính trị của Đảng bộ, góp phần tích cực nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong xã hội... bằng một số các giải pháp cụ thể sau:
- Huyện ủy tập trung chỉ đạo các cấp ủy cơ sở nghiên cứu, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng; nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo tổ chức thực hiện cũng như xây dựng chương trình hành động phù hợp với điều kiện từng cơ quan, đơn vị. Các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy và của Huyện ủy luôn được triển khai kịp thời, đầy đủ đến từng cán bộ, đảng viên, có theo dõi quá trình học tập và chuyển biến sau học tập qua việc thành lập tổ giám sát việc học tập, quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng từ huyện đến cơ sở. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập đạt tỷ lệ khá cao, từ 99% trở lên, quần chúng cốt cán, đoàn viên, hội viên đạt từ 86% trở lên từ đó góp phần nâng cao nhận thức về chính trị tư tưởng và tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng.
- Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục tư tưởng, chính trị Ban Thường vụ Huyện ủy luôn quan tâm đến việc lựa chọn, củng cố đội ngũ báo cáo viên, giảng viên, giảng viên kiêm chức, cộng tác viên dư luận xã hội, tuyên truyền viên cơ sở đảm bảo về số lượng và chất lượng. Các đồng chí báo cáo viên cấp huyện có trình độ chuyên môn 100% Đại học, Lý luận chính trị cao cấp, là các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện, lãnh đạo các phòng, ban và Bí thư đảng ủy các xã, thị trấn; các đồng chí cộng tác viên dư luận xã hội là lãnh đạo, chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy, lãnh đạo các cơ quan, MTTQVN huyện, các tổ chức chính trị xã hội huyện và cán bộ tuyên giáo các xã, thị trấn. Do vậy, việc nắm bắt, phản ánh thông tin đảm bảo theo quy chế hoạt động, góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền của Đảng.
- Hàng năm, BTV Huyện ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo phối hợp với Trung tâm Chính trị nghiêm túc thực hiện việc giảng dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương. Thực hiện tốt việc mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn theo yêu cầu của Huyện ủy, có các chuyên đề riêng phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Thực hiện nghiêm theo quy định về công tác chiêu sinh, quản lý học viên, tổ chức học tập, đánh giá kết quả học tập, cấp giấy chứng nhận cho học viên; phối hợp với Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị hè cho toàn thể cán bộ, giáo viên tham gia học tập, qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức cách mạng; đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở dần được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới và hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Học viên tham gia thảo luận ở lớp bồi dưỡng chuyên đề
- Công tác tuyên truyền với hình thức phong phú, đa dạng cũng góp phần trong việc giáo dục tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân: tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh từ huyện đến cơ sở, xe thông tin lưu động, panơ, băng rôn, trên mạng xã hội facebook, zalo… Bên cạnh đó Ban Tuyên giáo Huyện ủy là cơ quan thường trực BCĐ 35 huyện, đã tham mưu chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện thành lập các trang facebook, fanpage của đơn vị để tương tác, chia sẻ đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước; các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, huyện về tình hình kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng; tin, bài của Hương Sen Việt (Ban Tuyên giáo Trung ương), Tuyên giáo Đồng Nai, Báo Đồng Nai, lan tỏa gương người tốt việc tốt kịp thời hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác biên tập và xuất bản cuốn Bản tin nội bộ tới các chi, đảng bộ trực thuộc được duy trì tốt, đảm bảo kịp thời phục vụ tài liệu sinh hoạt chi bộ trên địa bàn dân cư hàng tháng. Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
- Bên cạnh đó Các cấp uỷ đã chú trọng đổi mới sinh hoạt Đảng, sinh hoạt chi bộ, coi trọng việc phát huy vai trò của đảng bộ, chi bộ trong quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên; quan tâm kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng, chỉ thị, nghị quyết của Đảng; Quy định những điều đảng viên không được làm; đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp đảng viên vi phạm. Trong các buổi sinh hoạt thường kỳ, các chi, đảng bộ đã dành thời gian để đảng viên kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá kết quả việc đăng ký học tập và làm theo Bác, kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân gương mẫu, chấp hành tốt, phê bình những tập thể, cá nhân trì trệ, chậm thay đổi và đề ra hướng khắc phục trong thời gian tiếp theo. Ngoài ra, các chi bộ còn tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, bằng các hình thức đa dạng: Tổ chức các chuyến về nguồn gắn với các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hàng năm để đảm bảo công tác triển khai thực hiện hiệu quả.
Chi bộ Ban Tuyên giáo tổ chức sinh hoạt chuyên đề
- Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030 theo tinh thần Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng được chú trọng, thực hiện thường xuyên. Kết hợp việc tuyên truyền học tập và làm theo thông qua các hoạt động thiết thực như: nói chuyện truyền thống, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, về nguồn, chăm sóc bia mộ liệt sỹ, thắp nến tri ân, tuyên truyền về Luật NVQS, vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, Luật giao thông đường bộ...Tổ chức sinh hoạt chi đoàn về những cuốn sách về Bác Hồ; các hoạt động kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào“bông hoa điểm mười", hội thi kể chuyện gương sáng làm theo lời Bác, phong trào đọc sách trong thanh thiếu nhi, các hội thi tìm hiểu thân thế và sự nghiệp Bác Hồ; thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt những cuốn sách hay về Bác Hồ, CLB Lý luận trẻ tổ chức các buổi sinh hoạt chủ điểm “Giá trị thời đại của Bản Tuyên ngôn độc lập", “Đảng cộng sản Việt Nam – Người lãnh đạo thắng lợi mọi cuộc cách mạng Việt Nam"…Tuyên truyền những mô hình, gương thanh niên điển hình tiên tiến trong việc học tập, lao động, sản xuất, công tác, thực hiện cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt – Mỗi tuần một câu chuyện đẹp"...
Có thể nói, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng là một biện pháp quan trọng trong giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên. Việc “làm theo" Bác đã được các cấp ủy, cơ quan, đơn vị lựa chọn cho phù hợp gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp góp phần giải quyết có hiệu quả các vấn đề cấp bách, nổi cộm trong xã hội mà Nhân dân quan tâm; đồng thời, chú trọng xây dựng và nhân rộng điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, trở thành hiện thực trong đời sống xã hội (Trong hai năm đã phát hiện 197 gương người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như: lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, hộ kinh doanh, giáo viên, nông dân, công nhân, hưu trí…)
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống trên địa bàn huyện vẫn còn một số hạn chế:
- Việc sinh hoạt chi bộ, nhất là sinh hoạt chuyên đề gắn với nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị - tư tưởng tuy có đổi mới nhưng một số nơi hiệu quả chưa cao
- Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, rèn luyện tu dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở một số cấp ủy đảng chưa thường xuyên.
Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Giáo dục chính trị, tư tưởng là một trong những khâu quan trọng của Đảng ta trong việc hình thành nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa (XHCN). Giáo dục chính trị - tư tưởng nhằm xây dựng những con người, những tập thể tha thiết gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức trong sáng, luôn có ý chí vươn lên, tinh thần kiên cường, dũng cảm, để xây dựng và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN trong thời gian tới, các cấp ủy đảng trên địa bàn huyện chú trọng thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân xem đây là trách nhiệm của toàn Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên của cấp uỷ và của toàn bộ hệ thống chính trị và của mỗi một cán bộ, đảng viên. Tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Tiến hành đồng thời công tác giáo dục chính trị, tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ và công tác thi đua, khen thưởng, xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên theo tinh thần Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị quy định về kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Hai là, đổi mới, đa dạng hóa hình thức học tập, phổ biến quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đề cao trách nhiệm tự học tập, tìm hiểu, vận dụng của cán bộ, đảng viên; phát huy đầy đủ vai trò của đội ngũ Báo cáo viên trong tuyên truyền miệng, coi đây là một kênh thông tin, tuyên truyền quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Tăng cường đối thoại, trách nhiệm giải trình trong các cuộc họp, sinh hoạt chi bộ, đơn vị; chủ động nắm bắt kịp thời những diễn biến tư tưởng mới nảy sinh trong cán bộ, đảng viên để giải quyết kịp thời.
Ba là, tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị. Đề cao vai trò, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương, gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, Nhân dân noi theo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thực hiện công khai, dân chủ, khách quan, công tâm trong đánh giá, phân loại tổ chức Đảng, đảng viên gắn với đánh giá cán bộ, công chức hàng năm.
Bốn là, phát huy vai trò của hệ thống các cơ quan truyền thông trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, đảng viên theo phương châm “Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực", “lấy cái đẹp dẹp cái xấu". Thường xuyên tổ chức cung cấp thông tin cho cán bộ, đảng viên, các đồng chí cán bộ chủ chốt đã nghỉ hưu và thông tin rộng rãi trong nhân dân, nhất là đối với những vấn đề dư luận nội bộ và xã hội quan tâm; chú ý tổ chức đối thoại, làm tốt hoạt động chất vấn trong Đảng và thực hiện tốt Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân.
Năm là, nâng cao ý thức cảnh giác của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, phản động, tạo sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận của xã hội về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch; kịp thời định hướng dư luận cho cán bộ, đảng viên.
Sáu là, Phát huy sức mạnh tổng hợp của các phương tiện giáo dục chính trị, tư tưởng như: Trung tâm Chính trị; các phương tiện thông tin đại chúng; sinh hoạt, họp hội của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, đoàn thể, hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội của Đảng...Nhằm tạo sự đa dạng và phong phú về hình thức giáo dục phù hợp với nội dung và đối tượng.
Tóm lại, Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là bộ phận đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Đây là hoạt động của Đảng tác động đến cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm phát triển, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước… Đây cũng là một trong những nội dung, yêu cầu quan trọng của Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".