Sau
vài cơn mưa, các vườn tràm trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu xuất hiện rất nhiều nấm
tràm. Chính những cơn mưa rào chợt đến chợt đi làm cho những cánh rừng tràm càng
thêm ẩm ướt. Những đám lá tràm rụng thành thảm dưới đất mục đi và trở thành lớp
đất mùn màu mỡ tạo điều kiện cho các meo nấm phát triển. Đi giữa những vườn
tràm mùa này, nếu nhìn kỹ giữa những thảm vỏ và lá tràm sẽ dễ dàng bắt gặp những
chiếc ô nấm bé bé, xinh xinh bắt đầu vương mình nhô đầu ra khỏi lớp lá để phát
triển thành cây nấm.
Loại
nấm đặc biệt này chỉ xuất hiện trong vòng hơn một tháng là hết. Muốn ăn nữa thì
phải đợi đến đầu mùa mưa năm sau. Chính vì đặc điểm đó mà người sành ăn nấm
tràm luôn tranh thủ để đi hái cho kịp mùa. Nấm tràm dùng không hết được người
dân phơi khô cẩn thận và đóng thành từng gói để dành ăn dần trong năm.
Trời
vừa sáng, hai vợ chồng bà Lê Thị Liên - 69
tuổi, cư ngụ ở Kp5, thị trấn Vĩnh An đã tới từng khu vườn tràm dọc thị
trấn và các xã lân cận để hái nấm. Hai ông bà đã nghỉ hưu lại mê nấm tràm nên cứ
đến mùa mưa là ông bà lại rủ nhau đi tự tay hái nấm, vừa là giải trí vừa lại có
cái ăn. Trung bình mỗi ngày cả ông và bà hái được 10 ký, nhưng hôm nay may mắn
hơn gặp được một khu vực có nhiều nấm, nên thu hoạch được đến 30 ký. Bà vui vẻ
trò chuyện với chúng tôi:
"Năm nay gặp
hên thế nào, gặp được cánh rừng, nó mọc nhiều nên nhà tôi lấy được khoảng độ 30
ký. Nó chỉ lên khoảng 3 ngày xong nó rữa hết. Nó nhiều đạm lắm nên nó rữa, phân
hủy ngay, còn nếu không thì những con cuốn chiếu với con mối nó ăn hết. Tại vì
nó tốt ấy mà, nên mình lấy kịp ngày thì mình lấy."

Ông
Nguyễn Văn Toàn, khu phố 2, thị trấn Vĩnh An cho biết: "Nấm này là lộc trời cho mà, nên tranh thủ đi hái thôi. Người đi
hái trước chỉ cho tôi, một năm đi hái 3 đợt, đợt 1 ngày 20/5, đợt 2 ngày 5/6 và
đợt 3 là ngày 20/6. Mỗi đợt như vậy thì hái trong vòng 1 tuần lễ thôi"
Không
ngọt như nấm rơm, nấm mối, nấm tràm có vị đắng rất lạ miệng. Ai không quen ăn nấm
hoặc không biết cách chế biến sẽ không cảm nhận được vị ngon của nấm. Nấm tràm
sau khi hái về, gọt bỏ lớp vỏ dính đất dưới chân, rửa sạch, ngâm với nước lạnh
hoặc nước vo gạo thì càng tốt. Sau đó luộc chín, để dành trông ngăn đông tủ lạnh
dùng dần.
.jpg)
Mỗi
mùa nấm tràm về, Anh Nguyễn Thành Nam một giáo viên trường THCS Vĩnh An cũng
tranh thủ ngoài giờ dạy, anh cũng tranh thủ vào rừng tràm hái nấm vừa để dành
ăn vừa bán cho người dân có nhu cầu. Anh Nam cho biết, trước đây giá nấm tươi từ
20-30 ngàn đồng một ký, nhưng năm nay thì được giá hơn :
"Tôi đi hái nấm
từ hồi còn nhỏ, lớp 6 hay lớp 7 gì đó. Cứ đến mùa nấm thì tôi đi lấy. Hiện tại bây
giờ nấm lấy khó hơn. Gia đình tôi bán nấm này xuất đi mọi nơi, bán qua mạng là
chủ yếu. Tầm khoảng 50 - 60 ngàn một ký tươi. Khô thì tầm trên 300 ngàn/ ký. Người
dân trên Sài Gòn họ đặt mua cũng khá nhiều."
.jpg)
Các
loại nấm nói chung đều được mệnh danh là thứ thực phẩm vừa là rau sạch vừa là
thịt sạch. Khi những món ăn từ rau quả và thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm độc thì
nấm được xem là món ăn thuần khiết, không gây độc hại và giá trị dinh dưỡng rất
cao. Nấm tràm có thể kho tiêu, kho sả ớt, ngon nhất vẫn là món cháo cá nấu nấm
tràm ăn kèm rau đắng. Đắng vậy nhưng nấm tràm lại thiệt là lành, thiệt là mát,
và rất tốt. Bởi theo đông y, nấm tràm có thể chữa được mệt mỏi, cảm cúm. Còn có
thể bồi bổ nội tạng bởi chất dầu tràm có ở trong nấm. Nấm tràm còn có tác dụng
tăng cường sức đề kháng cơ thể chống lão hóa, giảm độc và bảo vệ gan, làm giảm
nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, tim mạch. /.
Hồng Yến