Ngày Tết đến, trên bàn thờ người Việt, hầu như nhà nào cũng có mâm ngũ quả để dâng cúng tổ tiên. Điều này thể hiện sự biết ơn, lòng tưởng nhớ ông bà, tổ tiên và mong cuộc sống trong năm mới thuận lợi và tốt đẹp hơn. Đó chính là phong tục tập quán từ bao đời của người Việt Nam, là bản sắc văn hóa độc đáo mà thế hệ con cháu chúng ta càng phải giữ gìn. Tục lệ này như một sự nhắc nhở cho con cháu, về cội nguồn của mình.
Mỗi loại trái cây trên mâm ngũ quả mang ý nghĩa khác nhau. Bưởi được quan niệm là loại trái cây mưu cầu tài lộc, được người dân ưa chuộng và chọn chưng. Hình dáng bưởi tròn, căng bóng, da xanh mịn như ngụ ý nói lên sự đầy đủ, sung túc; hứa hẹn một năm mới đầy ngọt ngào và may mắn.
Ở Đồng Nai thì hầu như địa phương nào cũng có vườn bưởi, nhưng nếu bạn muốn thưởng thức loại bưởi ngon nhất thì phải đến Tân Triều, thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu.
“Sông Đồng Nai chảy qua bảy nhánh,
Bưởi Tân Triều vị ngọt, mùi thanh"
Trải qua bao năm tháng, những trái bưởi của vùng đất Tân Triều đã trở thành loại trái cây đặc sản với hương vị thơm ngon rất đặc trưng. Đặc trưng nhất lại là bưởi đường lá cam, bởi giống bưởi này ngon nhất chỉ khi được trồng ở vàng đất Tân Triều mà thôi. Bưởi đường lá cam tuy nhỏ nhưng chất lượng rất ổn định. Vỏ xanh, căng bóng, mịn, múi bưởi mọng nước lại có vị ngọt đậm đà, pha chút chua thanh và không hề có vị the, đắng như một số giống bưởi khác. Khi bưởi héo dần thì vỏ mỏng lại như vỏ cam, lúc này ăn lại càng ngon hơn. Theo người dân địa phương thì nhờ phù sa từ sông Ðồng Nai và rạch Tân Triều bồi đắp nên bưởi được trồng ở vùng đất này có hương vị rất riêng và đặc biệt hơn những nơi khác.
Ngoài giống bưởi đường lá cam, người dân Tân Triều còn trồng thêm nhiều giống bưởi khác như: bưởi da xanh, bưởi ổi, bưởi thanh; bưởi xiêm;…
Ở Tân Triều, hầu như nhà nào cũng trồng bưởi, cây bưởi ở đây quanh năm xanh tốt, nó đã cùng với người dân Tân Triều thăng trầm theo năm tháng. Bưởi trồng thành vườn, bưởi ở trước sân, dọc hàng rào, đâu đâu cũng thấy bưởi. Vườn nào cũng sạch sẽ, thoáng mát, từng trái bưởi được bàn tay người dân chăm chút công phu. Bưởi Tân Triều chứa đựng cả tình cảm của người trồng ra trái bưởi. Có lẽ đó cũng là lý do khiến bưởi Tân Triều có sức hấp dẫn đặc biệt hơn.
Theo người dân địa phương, bưởi ở đây ra trái 02 mùa chính là dịp Tết Trung thu và Tết Nguyên đán. Đặc biệt hơn, vào dịp Tết, người nông dân nơi này lại khéo léo sáng tạo, “biến tấu", uốn nắn, định hình những trái bưởi từ khi còn non để phát triển thành những hình dạng đặc biệt theo mong muốn của khách hàng như: hồ lô, thỏi vàng và khắc các các chữ nổi như: tài, lộc, phát rất bắt mắt.
Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm rất độc đáo được người dân nơi đây chế biến từ bưởi, đặc biệt phải kể đến món rượu bưởi. Khác với các loại rượu mạnh có trên thị trường, rượu bưởi Tân Triều có nồng độ cồn dưới 18 độ, rượu mang hương vị thơm ngon, chua chua, ngọt thanh cùng vị rượu đặc trưng của rượu trái cây làm say mê du khách. Hay trà bưởi cũng là 1 trong những sản phẩm độc đáo và đầy tính sáng tạo của người dân vùng đất Tân Triều. Bằng cách rửa sạch vỏ bưởi rồi bào mỏng, mang phơi dưới trời nắng vừa không quá nắng gắt. Khi vỏ bưởi bào đã khô hẳn, đem chế với nước đun sôi để làm trà uống hằng ngày.
Tận dụng tiềm năng sẵn có, hiện nay, nhiều vườn bưởi ở Tân Triều khai thác du lịch sinh thái rất hiệu quả. Ngoài việc được tham quan ngắm cảnh, được hòa mình với thiên nhiên yên bình, mát mẻ, không khí trong lành, thoảng đưa hương vị ngọt ngào của đặc sản quê hương làng bưởi, du khách như được tái tạo lại năng lượng, giảm bớt và tạm quên đi áp lực bộn bề của cuộc sống; đặc biệt là khi được thưởng thức những món đặc sản “cây nhà lá vườn" chế biến từ bưởi như: mứt bưởi, gỏi bưởi, gà hấp quả bưởi, gà nướng lá bưởi, nem bưởi và không thể thiếu món tráng miệng chè bưởi.
Làng bưởi Tân Triều mang vẻ rất riêng và độc đáo là thế, từ cây trái vườn nhà rồi thành thương hiệu cho vùng đất bằng chính sự sáng tạo tuyệt vời của người dân nơi đây, để rồi ai đến một lần cũng phải luyến lưu hẹn ngày trở lại.