Sáng ngày 01/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, Bảo tàng tỉnh và UBND xã Phú Lý tiến hành khảo sát địa điểm khai quật khảo cổ di tích Miếu Ông Chồn, xã Phú Lý.

Tham dự có ông Nguyễn Hồng Ân - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, bà Nguyễn Ngọc Yến - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đồng Nai, bà Đinh Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, bà Đặng Thị Lương - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lý.
Theo đó, Đoàn đã đi khảo sát thực tế địa điểm di tích Miếu Ông Chồn tọa lạc tại ấp 2, xã Phú Lý và được nghe người dân địa phương thông tin những di chỉ, quá trình hình thành và lịch sử của di tích.
Di tích khảo cổ Miếu Ông Chồn nằm trong rừng đặc dụng tại khoảnh 10 - 11, khu 73, toạ độ (theo VN 2000) 434180 và 1253751 (11020'26" vĩ Bắc, 107007'56" kinh Đông) thuộc khu vực quản lý của Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai. Di tích được phát hiện năm 1987, khi phát hiện cụm di tích gồm 4 gò đất cao trong đó 3 gò nằm gần nhau và 1 gò nằm trên đỉnh đồi cao cách 3 gò còn lại khoảng 200m theo hướng Tây. Các gò này đều đã bị đào phá, gạch, đá nằm vương vãi nhiều trên mặt đất. Năm 2010, Ban Quan lý Di tích và Danh thắng phối hợp cùng Viện KHXH vùng Nam Bộ đào thăm dò 3 gò nhỏ. Năm 2016, Bảo tàng Đồng Nai kết hợp với Viện KHXH vùng Nam Bộ khai quật di tích nằm trên đỉnh đồi. Kết quả khai quật cho thấy di tích trên ngọn đồi cao thuộc loại hình kiến trúc có bình đồ hình chữ nhật đơn giản với các cạnh tường được xây bằng gạch, thẳng hướng, chiều rộng khoảng 7,5m (theo hướng bắc - nam), chiều dài khoảng 9m (theo hướng Đông - Tây) và ở trung tâm kiến trúc được nện bằng gạch vỡ và đá vụn.

Qua khảo sát cho thấy khu vực di tích Miếu Ông Chồn không chỉ có một kiến trúc nằm đơn lẻ mà nơi đây từng là một nhóm nhiều kiến trúc (có thể là 04 - tương ứng với 04 gò đất được ghi nhận trước đây ở hai cụm phía Đông và Tây). Dự kiến năm 2025, Bảo tàng Đồng Nai sẽ thực hiện khai quật khảo cổ di tích Miếu Ông Chồn, diện tích dự kiến khai quật 400m2 (20m x 20m) nhằm mục đích làm rõ nền móng kiến trúc trên đỉnh đồi. Đồng thời, áp dụng phương pháp phân tích nhiệt phát quang với mong muốn xác định niên đại của di tích.

Việc thực hiện khai quật di tích Miếu Ông Chồn nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở kết quả của đợt khai quật, đánh giá các giá trị của chuyên gia về giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ…), Bảo tàng Đồng Nai sẽ có báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị UBND tỉnh định hướng bảo tồn, phát huy giá trị của di tích trong thời gian tới. /.