Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024)
Xã Hiếu Liêm - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao

 

Xã Hiếu Liêm huyện Vĩnh Cửu là một xã mới được thành lập vào năm 2003, người dân chủ yếu sinh sống dựa vào nông nghiệp là chính. Trước đây đa số đều trồng những loại cây như  mì, điều, tiêu, trầm hương, cà phê và cao su…. Tuy nhiên không có cây trồng chủ lực của địa phương nên hiệu quả kinh tế của người dân chưa cao, thu nhập cũng rất bấp bênh. Sáu năm trở lại đây có nhiều nông dân đã mạnh dạn tìm cho mình hướng đi mới, trồng các loại cây mới và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Một trong những mô hình đang được người dân ở xã áp dụng mạnh mẽ trong những năm trở lại đây là chuyển đổi những giống cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái mà điển hình là cây có múi như bưởi, cam và quýt. Anh Lưu Thiện Tấn người trồng cây có múi đầu tiên trên địa bàn cho biết: Vào thời điểm giá cà phê chỉ còn 6000đ/kg, anh đã mạnh dạn chuyển sang trồng quýt, 5 năm trở lại đây vườn quýt nhà anh đã thu lại lợi nhuận khá cao; mỗi ha anh đã thu về gần 1 tỷ đồng. Hiện nay anh đã  tăng diện tích khoảng 6ha. Anh vui vẻ kể lại: “Thời điểm năm 2000, cây cà phê có giá chỉ 6000đ, nếu ai chăm tốt thì một cây có 4-5 kg. Trong khi đó 1 tạ quýt giá 2000đ/kg thì cũng được 200 ngàn. Bắt đầu tôi quyết định sang chiết cây giống của nhà ông anh đem về trồng. Đầu tiên trồng 6 sào, sau đó làm dần làm dần. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên không đạt lắm, đến bây giờ có kinh nghiệm rồi, nên năng suất cao như vậy, một ha nếu làm bài bản thì có thể đạt 80-90 tấn”.


Vườn cam của anh Nguyễn Đức Trung

Thấy đuợc hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng cam. Cũng giống như anh Tấn, anh Nguyễn Đức Trung ở cùng ấp thấy mô hình anh Tấn làm có hiệu quả, anh đã chuyển đổi 1ha điều sang trồng cam. Đây là năm thứ 2 anh thu hoạch, anh cho biết: “Thấy trồng cây điều năng suất không cao, một năm khoảng ba mươi mấy đến bốn mươi triệu làm ăn thấy không được, ở đây thấy hàng xóm làm là thấy được thì mình chuyển sang cây cam, trừ tiền đầu tư ra thì mình cũng được một tỷ”.

Bên cạnh đó, việc giúp đỡ trong kỹ thuật và kinh nghiệm của những người trồng trước giúp người trồng sau rất nhiệt tình. Cho nên đa số bà con đều ăn nên làm ra, đặc biệt nhiều người đã thoát nghèo cũng nhờ trồng cam. Tuy làm sau nhưng nhiều nhà vườn vẫn thu được từ 600 triệu  đến 1 tỷ đồng/năm/ha. Đó là trường hợp của anh Lưu Công Toán - ấp 3 xã Hiếu Liêm: “Chúng tôi làm sau thế này nhưng thấy hiệu quả rất tốt, cơ bản là phải có kỹ thuật, kỹ thuật ở đây là chúng tôi phải học hỏi những người đi trước, những người có kinh nghiệm, mấy năm trước thì ít hơn nhưng riêng năm 2016 này gia đình tôi thu được khoảng 800 triệu.

Về hiệu quả kinh tế, giá 1kg cam dao động từ 28.000 – 40.000 đồng/kg, quýt  từ 20-25.000đ/kg, bưởi từ 45-55 ngàn/kg. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, công chăm sóc lãi được 900 triệu đồng/năm/ha. Thấy đuợc hiệu quả kinh tế mang lại khá cao nhiều hộ dân đã đầu tư và và mở rộng thêm diện tích.  Hiện nay, cây có múi được bà con trên địa bàn chọn trồng khá nhiều để thay thế vườn cây kém hiệu quả, dần trở thành là một trong những loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân.


Bà con nông dân thu hoạch cam

Anh Nguyễn Duy Quang ở ấp 4 chia sẻ: “Từ khi trồng cây cam này thấy hiệu quả cũng cao, chuyển sang trồng cũng được 4 năm, năm vừa rồi mùa đầu  mình không đậy bạc cho trái ra ít thành ra cũng được 300 triệu. Hiện tại đất cũng hơi khó, có đât thì phát triển thêm”.Bà Trần Thị Sáu - ấp 4 cũng cho biết: “Gia đình tôi trồng được 10 năm nay, ở bên kia trồng gần 2 mẫu quýt, giờ qua đây làm cam, làm cam thấy hiệu quả hơn nữa. Chắc năm tới xem có chỗ nào thuận tiện thì làm thêm. Cây này thì khó hơn mấy cây khác nhưng hiệu quả nhiều hơn”.

Hiện nay tổng diện tích cây có múi trên địa bàn xã đạt được 175ha. Theo UBND xã Hiếu Liêm cho biết, xã đã có chủ trương xây dựng mô hình cây có múi trên diện tích là 350ha, đồng thời xây dựng hệ thống bơm nước tưới tiêu cho 350ha này. Ngoài ra sẽ nhanh chóng tiến hành thành lập HTX cây có múi để đảm bảo đầu ra cho nông dân. Ông Lê Văn Hỡi – CT UBND xã Hiếu Liêm cho biết:Theo kế hoạch chúng tôi đến cuối năm 2017 thì toàn bộ diện tích cây có múi của địa bàn xã Hiếu Liêm sẽ tăng lên diện tích là 350ha. Với diện tích 350ha với năng suất bình quân là 45-50 tấn, thì sản lượng hàng năm khoảng gần 200 ngàn tấn. Vấn đề đặt ra vơi sản lượng như vậy thì phải làm sao xây dựng được thương hiệu sản phẩm. Tìm được nhà bao tiêu sản phẩm để đảm bảo cho sản phẩm của người nông dân làm ra giá cả phải ổn định”.

Với tư duy dám nghĩ, dám làm, nhiều gia đình đã thành công trong chuyển đổi cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao từ việc trồng cây có múi. Đây cũng là mô hình rất cần thiết để nông dân tham quan và học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra của nông dân để có nguồn tiêu thụ và có giá cả ổn định để nông dân yên tâm sản xuất./.

Đức Hiếu

Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH CỬU - ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai
Chịu trách nhiệm: Bà Nguyễn Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu - Cơ quan thường trực: Phòng Văn hóa và Thông tin
Địa chỉ: Khu phố 2, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. 
Điện thoại: (0251).3861114; Fax: (0251).3861114; Email: ubnd-vc@dongnai.gov.vn
® Ghi rõ nguồn " UBND huyện Vĩnh Cửu " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​​