Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024)
CHẶNG ĐƯỜNG 93 NĂM CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG (15/10/1930-15/10/2023)

dan van.jpg

1. Ý nghĩa lịch sử của ngày 15/10 và chặng đường 93 năm công tác Dân vận của Đảng.
Đảng ta ngay từ khi ra đời đã xác định công tác Dân vận là nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng. Trải qua thực tiễn 93 năm qua đã minh chứng rằng vận động mọi tầng lớp nhân dân đi theo ngọn cờ của Đảng, thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, là điều kiện cần và đủ để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng. Các cơ quan thực hiện chức năng dân vận đã được Đảng quyết định thành lập ngay sau khi Đảng ra đời như: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Mặt trận phản đế đã phát huy trách nhiệm, đóng góp vào công cuộc kháng chiến, qua các cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh, hình thành Mặt trận dân chủ, Mặt trận phản đế, Mặt trận Việt Minh tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, dành độc lập, xây dựng chính quyền công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Đúc kết kinh nghiệm từ thắng lợi 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và xây dựng miền Bắc XHCN (1945-1975) nói lên vai trò, ý nghĩa của công tác dân vận của Đảng, đó là: tin vào dân, gắn bó với nhân dân, dựa vào sức mạnh của nhân dân; tuyên truyền giác ngộ nhân dân; tổ chức tập hợp quần chúng trong các đoàn thể chính trị; phát động quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, đi tới thắng lợi hoàn toàn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập Đảng ta - đã am hiểu sâu sắc về giá trị truyền thống và văn hóa dân tộc, về nghệ thuật chiến tranh nhân dân và công tác vận động quần chúng. Người đã chỉ ra vai trò, ý nghĩa, giá trị cực kỳ to lớn, quan trọng của công tác dân vận. Bài báo “Dân vận” của Bác đăng trên Báo Sự Thật số 120 ngày 15/10/1949 ra đời vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta đã lên đến cao trào, cần tăng cường giáo dục lý luận, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên nhận thức rõ rằng để thực hiện nhiệm vụ cách mạng, lúc thuận lợi cũng như khó khăn, bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải coi trọng công tác dân vận. Trên thực tế, Đảng ta đã coi trọng công tác động viên, giáo dục, tập hợp nhân dân, tạo thành khối đại đoàn kết có sức mạnh vô biên đánh thắng kẻ thù xâm lược.
Sau khi thống nhất đất nước, thực hiện cơ chế quản lý theo mô hình bao cấp đã xuất hiện những việc làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Với bản chất cách mạng của Đảng Mácxít - Lênin nít, Đảng ta đã tự kiểm điểm và đề ra đường lối đổi mới. Nghị quyết Đại hội VI của Đảng (1986), Đảng ta xác định “lấy dân làm gốc” trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng và lãnh đạo của Đảng.
Sau đó, Trung ương Đảng đã sơ kết, đánh giá tình hình và đề ra Nghị quyết 8B (1990) về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”, đã trở thành sự kiện ghi dấu nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn trong toàn Đảng về công tác vận động quần chúng.
Đến Đại hội VIII (1996), Đảng ta đúc kết kinh nghiệm 10 năm đổi mới, đề ra phương châm chỉ đạo trong công tác vận động quần chúng là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tuy nhiên, qua thực tiễn một số địa phương trong công tác lãnh đạo còn thiếu sót về vấn đề dân chủ, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/2/1998 về “xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, nêu rõ “thực hiện chế độ dân chủ trực tiếp ở cơ sở để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình”.
Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận”, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15/10/1930 là ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và ngày 15/10 hàng năm là “Ngày Dân vận của cả nước”. Từ đó, ngày 15/10 đã trở thành sự kiện quan trọng và là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng nhau học tập và thực hiện những lời Bác Hồ dạy về công tác dân vận.

hinh dan van.jpg

Trải qua các kỳ Đại hội IX, X, XI, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản về công tác dân vận như: Nghị quyết số 23, 24, 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, về “công tác dân tộc’, về ‘công tác tôn giáo”; Quyết định số 290-QD/TW ngày 25/2/2010 “về việc ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị” (nay là Quyêt định sô 23- QD/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị); Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 về “tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới" và các Quyết định của Trung ương về cơ chế, bảo đảm cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nâng cao chất lượng, hiệu quả vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân.
Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; mọi chủ trương, chính sách phải thật sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung nhiều nội dung mới về lãnh đạo đối với công tác dân vận: Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Trong đó nhấn mạnh nội dung: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới. Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động..., tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết những kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân; xử lý kịp thời, dứt điểm các vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp và lực lượng vũ trang. Chú trọng công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Đồng thời xác định cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tồ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt" để nhân dân làm chủ; đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác dân vận.
2. Công tác Dân vận của Đảng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và huyện Vĩnh Cửu.
Năm 2023, là năm các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị tiến hành đánh giá, sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nói chung và về công tác dân vận nói riêng; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 về “tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới", thông qua đó các cấp ủy đảng, chính quyền đã có sự quan tâm về việc đổi mới công tác dân vận; vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lại các mục tiêu kinh tế - xã hội; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quan tâm chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo ngay từ cơ sở. Thực hiện quy chế dân chủ, tăng cường đối thoại với nhân dân; cải cách thủ tục hành chính; chấn chỉnh tác phong, thái độ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, góp phần làm trong sạch bộ máy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước. Sự phổi kết, hợp giữa chính quyền, lực lượng vũ trang với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội có nhiều đổi mới, rõ nét trong thực hiện công tác dân vận. Các chủ trương, chính sách về công tác tôn giáo, dân tộc được thực hiện đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và đường hướng hành đạo của tổ chức tôn giáo; phát huy vai trò của người có uy tín; chức sắc tôn giáo trong vận động đồng bào dân tộc thiêu số, tín đồ các tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.
Hệ thống tổ chức Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp được củng cố, kiện toàn, ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; nội dung, phương thức hoạt động được đổi mới, hướng về cơ sở, tập hợp quần chúng vào tổ chức Đoàn-Hội; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Nhiều phong trào, cuộc vận động đã thu hút được đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia và có sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội, nhất là cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, phong trào thi đua "Dân vận khéo" có sức lan tỏa sâu rộng, được công nhận và duy trì hiệu quả, đến nay toàn tỉnh đã có trên 15.000 mô hình “dân vận khéo” hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Vai trò tham mưu của Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xă hội các cấp trong việc triển khai và sơ, tổng kết thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận ngày càng chủ động, kịp thời và có hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát về công tác dân vận, quy chế dân chủ được quan tâm triển khai thực hiện thường xuyên, góp phần khắc phục được một số hạn chế, thiêu sô ờ địa phương, đơn vị.
Hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng, Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”./.

Trần Hoa

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH CỬU - ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai
Chịu trách nhiệm: Bà Nguyễn Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu - Cơ quan thường trực: Phòng Văn hóa và Thông tin
Địa chỉ: Khu phố 2, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. 
Điện thoại: (0251).3861114; Fax: (0251).3861114; Email: ubnd-vc@dongnai.gov.vn
® Ghi rõ nguồn " UBND huyện Vĩnh Cửu " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​​