Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024)
Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật

Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm vi rút dại.

Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.

Giai đoạn tiền triệu chứng thường 1- 4 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi vi rút xâm nhập.

Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên.

Bệnh tiến triển theo hai thể: thể liệt kiểu hướng thượng (hội chứng Landly) và thể cuồng. Bệnh thường kéo dài từ 2- 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp.

Theo báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, tình hình bệnh Dại hiện vẫn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, cụ thể năm 2023 cả nước có 82 người chết vì bệnh Dại tại 30 tỉnh, thành phố (tăng 12 trường hợp so với năm 2022), nhiều nhất tại các tỉnh: Gia Lai, Bình Phước, Bến Tre, Nghệ An, Điện Biên,..Tính riêng từ ngày 01/01 đến ngày 20/02/2024, cả nước đã xảy ra 17 ổ bệnh Dại trên động vật tại 12 tỉnh, thành phố và 18 ca tử vong trên người do bệnh Dại ở 14 tỉnh, thành phố (tăng 09 ca so cùng kỳ năm 2023); số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh Dại đã lên tới gần 70.000 người (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023).

Tại Đồng Nai, năm 2023 đã phát sinh 02 ca bệnh Dại trên người và 19 ca bệnh Dại trên chó tại 07 huyện, thành phố (tăng tuyệt đối so với năm 2022, không có ca Dại trên người và động vật). Từ đầu năm 2024 đến nay, đã phát hiện 11 ổ dịch dại.

Tại huyện Vĩnh Cửu, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng ghi nhận có 05 trường hợp bị chó cắn; trong đó có 01 trường hợp xét nghiệm âm tính với bệnh Dại, 02 trường hợp xét nghiệp dương tính với bệnh Dại; 02 trường hợp còn lại chó chết đã được chủ nhà phối hợp với chính quyền địa phương tiêu hủy. Tại xã Tân An cũng xuất hiện 01 con chó lạ, chạy vào nhà dân cắn xé các đồ vật trong nhà, được người dân bắt nhốt và báo với cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng VI cho thấy con chó dương tính với virus Dại.

24.04.24 benh dai.jpg

Một số nguyên nhân chủ yếu của dịch bệnh Dại gia tăng là: Do địa phương chưa quản lý được đàn chó, mèo; công tác tổ chức tiêm vắc-sin phòng bệnh Dại cho đàn chó chưa đạt hiểu quả (năm 2023 tỷ lệ tiêm phòng Dại bình quân cả nước chỉ đạt 53,7 tổng đàn chó); công tác thông tin, tuyên truyền về bệnh Dại chưa thường xuyên, liên tục, chưa hiệu quả; Vi rút Dại còn lưu hành trên động vật; Chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vắc xin Dại cho chó theo quy định; Việc bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh Dại còn hạn chế; Nhận thức của một bộ phận người dân về mức độ nguy hiểm và các quy định về phòng, chống bệnh Dại còn hạn chế; Công tác tiêm phòng chống dịch tại một số địa phương chưa triển khai theo quy định.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Dại, để khẩn trương kiểm soát các ổ dịch bệnh Đại trên động vật đang xảy ra, phòng ngừa các ổ dịch mới phát sinh và lây lan, ngăn ngừa bệnh truyền lây từ động vật sang người; đồng thời triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 3795/UBND-KTN về thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật, ngày 19/4, UBND huyện ban hành Văn bản số 2462/UBND-KT giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch, Phòng Y tế, Trạm Chăn nuôi và Thú y, các đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn Vĩnh An căn cứ Kế hoạch số 58/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 23/02/2024 về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2024 triển khai các nhiệm vụ cụ thể, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện có hiệu quả cao các biện pháp phòng, chống bệnh Dại tại địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại động vật, triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại trên động vật.

Tăng cường giám sát bệnh Dại, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Dại, chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch. Tất cả những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Dại trên động vật phải được lấy mẫu và gửi đến phòng thí nghiệm thú y có thẩm quyền để xét nghiệm bệnh Dại.

Tăng cường công tác quản lý chó, mèo, thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng chó thả rông trên từng địa bàn cấp xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh; tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo bảo đảm tỷ lệ đạt trên 70% tổng đàn trong năm 2024 và các năm tiếp theo, xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo nuôi.

Tổ chức các Đoàn công tác do Lãnh đạo UBND huyện làm Trưởng đoàn phối hợp với các đơn vị chuyên môn như thú y, y tế đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dại tại các địa phương có nguy cơ cao.

UBND huyện cũng đề nghị Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND các xã, thị trấn Vĩnh An tăng cường công tác truyền thông về mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh Dại, cũng như các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống bệnh Dại động vật trong cộng đồng dân cư, trường học, người chăn nuôi, giết mổ chó, mèo và các tổ chức, cá nhân có liên quan bằng các hình thức phù hợp.

Hiện tại không có cách điều trị hiệu quả cho bệnh dại sau khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm.

Theo tổ chức y tế thế giới WHO ngay sau khi bị chó, mèo, bất cứ động vật nào nghi ngờ bị dại cắn cần phải thực hiện sơ cứu như sau: Vết thương cần được rửa sạch ngay lập tức bằng xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong khoảng từ 10-15 phút. Trường hợp nếu không có xà phòng có thể rửa vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục trong vòng 15 phút liên tục. Bước sơ cứu là rất quan trọng và hiệu quả nhất để phòng chống lại bệnh dại. Vết thương được rửa kỹ với cồn 70 độ. Sau đó đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời./. 

Hương Giang

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH CỬU - ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai
Chịu trách nhiệm: Bà Nguyễn Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu - Cơ quan thường trực: Phòng Văn hóa và Thông tin
Địa chỉ: Khu phố 2, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. 
Điện thoại: (0251).3861114; Fax: (0251).3861114; Email: ubnd-vc@dongnai.gov.vn
® Ghi rõ nguồn " UBND huyện Vĩnh Cửu " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​​