Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024)
PHÒNG CHỐNG TAI NẠN ĐUỐI NƯỚC CHO TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN XÃ MÃ ĐÀ, HUYỆN VĨNH CỬU

Xã Mã Đà là một xã vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn của huyện Vĩnh Cửu nói riêng, của tỉnh Đồng Nai nói chung, được thành lập từ ngày 02/7/2003; dân số đa phần sống rải rác trong các cụm dân cư nằm sâu trong rừng thuộc khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai. Địa bàn hành chính của xã rất rộng lại thêm nhiều ao hồ, sông suối; trong đó có lòng hồ Trị An, diện tích mặt nước khi đạt cost 62 là 32.400 ha, lưu tốc dòng chảy trung bình từ 0,2 đến 0,3m/s (đối với trung tâm lưu vực), từ khu vực giáp đập tràn và nhà máy thủy điện lưu tốc dòng chảy là rất lớn (tùy thuộc vào từng thời điểm nhà máy tổ chức thực hiện việc sản xuất điện); thêm vào đó, về mùa mưa mực nước hồ dâng cao, thường xảy ra sóng to, gió lớn rất nguy hiểm đối với những người sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản và những phương tiện lưu thông trên khu vực này.

Vào những dịp nghỉ lễ, nghỉ hè luôn là thời điểm mà các cháu nhỏ, các bạn học sinh, sinh viên háo hức chờ đợi, bởi đây là thời gian các bạn được cha mẹ cho vui chơi thỏa thích bằng những chuyến du lịch về các vùng quê, nhất là vùng sông nước như hồ Trị An để thưởng thức không khí trong lành do thiên nhiên ưu đãi cho miền sơn cước Mã Đà, sau những nỗ lực của một năm phấn đấu học tập. Còn gì sảng khoái cho bằng khi được tắm và ngâm mình trong dòng nước mát lạnh vào những buổi trưa hè nóng nực trên lòng hồ Trị An. Tuy vậy, đôi lúc vì quá mải mê vui chơi hoặc thiếu trang bị kiến thức về đuối nước đã dẫn đến một số tai nạn đáng tiếc.

Điển hình, vào khoảng tháng 06/2015 một vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra trên lòng hồ Trị An. Hai hộ gia đình gồm 2 người lớn và 6 trẻ em đã mượn ghe (thuyền) của người thân để chèo ra giữa lòng hồ chơi. Do không am hiểu về sự nguy hiểm của dòng chảy trên hồ Trị An nên bị lật thuyền, tất cả mọi người đều rơi xuống nước. May mắn là ngay lúc đó có hai anh cán bộ đi câu cá giải trí đi về ngang qua, đã cứu giúp được 2 người lớn và 04 trẻ em (trong đó có một em nhỏ đã hôn mê, rất nguy kịch và sau đó đã không qua khỏi) còn 02 trẻ mất tích do bị nước cuốn trôi, đến hơn 16 giờ cùng ngày mới tìm thấy xác hai cháu.

17.4.18-a duan.jpg 

Ông Lê Mai Long và chiếc thuyền đã cứu được 6 người trong vụ lật thuyền ngày 08/6/2015

Qua sự việc xảy ra, để kịp thời cảnh báo cho các gia đình có trẻ nhỏ, học sinh, sinh viên; nhất là các hộ gia đình không phải dân địa phương có ý định đi tham quan du lịch ở các vùng sông nước cần lưu ý: tìm hiểu kỹ độ an toàn của các phương tiện, mức độ nguy hiểm tại khu vực mà mình muốn đưa con cái, gia đình tới tham quan, vui chơi trong những ngày nghỉ… để cảnh báo, nhắc nhở con em mình trong suốt quá trình tham quan, vui chơi. Nhà trường và chính quyền các cấp, các ngành, các đoàn thể cần tổ chức tuyên truyền, quán triệt, phổ biến thường xuyên vấn đề tai nạn đuối nước bằng các biện pháp như:

1. Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các pano, áp phích, các hình ảnh cảnh báo nguy hiểm,… tại các khu vực gần ao hồ, sông suối;

2. Thực hiện việc khuyến cáo đến tất cả các cháu nhỏ, các em học sinh, sinh viên không nên chơi đùa gần ao, hồ, sông suối, những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước.

3. Chỉ đi bơi hoặc tập bơi ở những nơi có người lớn và phương tiện cứu hộ, cứu nạn như: bể bơi, khu vực bơi,…

4. Khi đi tắm sông, người biết bơi hay không cũng phải mặc áo phao, và chỉ nên tắm gần bờ. Nhiều người thường nằm trên phao khi đi tắm, điều này cũng khá nguy hiểm vì dễ bị nước cuốn ra xa mà không biết, nhiều khả năng bị sóng đánh úp, gây nguy hiểm.

5. Chấp hành nghiêm các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao.

6. Có các quy định pháp lý chặt chẽ trong việc quy trách nhiệm cụ thể đối với tổ chức hoặc cá nhân trực tiếp tham gia vận chuyển bằng các phương tiện lưu thông bằng đường thủy nội địa khi để xảy ra tai nạn, từ đó có các chế tài hợp lý.

7. Khi phát hiện thấy người bị rơi (ngã) xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, kịp thời có những biện pháp giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân gặp nạn. Đồng thời, cần nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể gián tiếp ứng cứu như: cây sào, áo phao, áo, các vật dụng có độ nổi tốt,… để cho những người bị đuối nước bám vào để kéo hoặc nhờ người kéo dần vào bờ, như vậy việc cứu nạn sẽ hiệu quả hơn. Tuyệt đối không được tự động nhảy xuống cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu người đuối nước vì bản thân mình rất có thể bị đuối nước.

                                                                             Cao Văn Duấn

Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH CỬU - ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai
Chịu trách nhiệm: Bà Nguyễn Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu - Cơ quan thường trực: Phòng Văn hóa và Thông tin
Địa chỉ: Khu phố 2, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. 
Điện thoại: (0251).3861114; Fax: (0251).3861114; Email: ubnd-vc@dongnai.gov.vn
® Ghi rõ nguồn " UBND huyện Vĩnh Cửu " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​​